Nghị sỹ Mỹ lo tiếp nhận người tị nạn Syria làm tăng nguy cơ an ninh

Ngày 13/9, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ, Nghị sĩ Mike McCaul cho rằng kế hoạch tiếp nhận khoảng 10.000 người tị nạn Syria của nước này làm tăng nguy cơ các chiến binh Hồi giáo xâm nhập vào Mỹ.


Các phần tử thánh chiến có thể trà trộn vào dòng người di cư để vào châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN


Ông McCaul cảnh báo rằng những phần tử thánh chiến cùng với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể trà trộn vào dòng người tị nạn đang tháo chạy khỏi cuộc xung đột ở Syria, tạo ra một tuyến đường di chuyển cho lực lượng thánh chiến Hồi giáo. Ông nêu rõ: “Từ quan điểm về an ninh quốc gia, tôi dùng ngôn ngữ của IS để nói theo cách của chúng rằng ‘Chúng ta sẽ lợi dụng và khai thác cuộc khủng hoảng người tị nạn để thâm nhập vào Phương Tây’. Đó chính là điều khiến tôi lo ngại”.

Trước đó, ngày 10/9, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Barack Obama đã chỉ đạo Chính phủ Mỹ sẵn sàng tiếp nhận ít nhất 10.000 người tị nạn Syria trong tài khóa 2016.

* Đức siết chặt kiểm soát biên giới với Áo để hạn chế người tị nạn

Munich (Đức) bị quá tải người di cư. Ảnh: AFP/TTXVN


Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết nước này đã tạm thời tiến hành các biện pháp kiểm soát dọc đường biên giới với Áo trong một nỗ lực nhằm giảm bớt số lượng người tị nạn đổ về nước này.

Ông Maiziere nêu rõ: “Mục đích của những biện pháp này là nhằm hạn chế dòng người tị nạn đến Đức". Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức, điều này cũng cần thiết vì những lý do an ninh.

Ngoài ra, theo truyền thông Đức, chính phủ nước này sẽ điều động hàng trăm cảnh sát chống bạo động tới bang Bavaria nhằm hỗ trợ đảm bảo an ninh ở khu vực biên giới đồng thời ngừng các chuyến tàu đến và đi Áo. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh trong hai tuần qua, thành phố Munich của nước này đã ghi nhận một lượng người tị nạn kỷ lục lên tới 63.000 người đổ về đây.

* Pháp hối thúc các thành viên EU tôn trọng quy định theo Hiệp ước Schengen

Trong khi đó, Pháp đã kêu gọi tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tôn trọng triệt để các quy định đã được đặt ra theo Hiệp ước Schengen của khối này (về tự do đi lại trong EU).

Phát biểu sau khi trao đổi với người đồng cấp Đức, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết một số nước đã không tuân thủ những quy định này, và rằng “Đức đã quyết định tạm thời thiết lập kiểm soát biên giới”.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã có cuộc điện đàm vào đêm 13/9 nhằm thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu.
Theo các quy định trong Hiệp ước Schengen, một nước thành viên như Đức có thể “trong trường hợp cá biệt” được khôi phục lại các thủ tục kiểm soát ở biên giới nước này với những nước thành viên khác như Áo “nếu có một mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh đối với chính sách công hoặc an ninh nội địa”, nhưng thông thường không được quá 30 ngày.

Trong trường hợp như vậy, Ủy ban châu Âu (EC) hoặc ban chấp hành của Liên minh châu Âu gồm 28 quốc gia, Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia khác trong Hiệp ước Schengen phải được thông báo về kế hoạch trên.

Hiệp ước Schengen cho phép miễn thị thực xuất nhập cảnh đối với công dân của 26 nước châu Âu, bao gồm 22 nước thành viên EU cùng Na Uy, Thụy Sĩ, Liechtenstein và Iceland. Công dân các nước khu vực miễn thị thực Schengen hoặc người có visa Schengen được cấp tại bất kỳ nước nào trong số 26 quốc gia nói trên đều được đi lại tự do trong khu vực này.

* Hy Lạp hối thúc EU khẩn trương phối hợp giải quyết vấn đề người di cư


Cùng ngày, Hy Lạp đã lên tiếng kêu gọi EU cần phối hợp hành động một cách khẩn cấp để đối phó với dòng người di cư và tị nạn lớn chưa từng có đang đổ về châu lục này trong năm nay.

Động thái trên của chính quyền Athens diễn ra khi trước đó cùng ngày lại có thêm ít nhất 34 người di cư và tị nạn, trong đó có 4 trẻ sơ sinh và 11 trẻ em đã thiệt mạng sau khi một chiếc thuyền gỗ chở hơn 100 người di cư bị lật trên Biển Aegea, thuộc khu vực ngoài khơi đảo Farmakonissi của nước này. Vụ việc đã khiến dư luận Hy Lạp bàng hoàng khi lại phải chứng kiến thêm một vụ việc thương tâm liên quan đến những người di cư, trong đó có nhiều nạn nhân là trẻ em.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho biết chiếc thuyền chở người di cư trên do những đối tượng buôn người điều khiển, bị lật do chở quá tải.

Theo báo cáo công bố ngày 11/9 của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 430.000 người di cư đã đến châu Âu trong năm nay qua đường biển Địa Trung Hải, trong đó 309.356 người đã tới Hy Lạp, 12.139 người tới Italy, 2.166 người tới Tây Ban Nha và 100 người tới đảo quốc Malta. Tuy nhiên, khoảng 2.750 người đã bỏ mạng trên tuyến đường biển này.

TN (Theo AFP, Reuters, THX)
Ngoại trưởng Arập họp bàn khủng hoảng di cư
Ngoại trưởng Arập họp bàn khủng hoảng di cư

Ngày 13/9, Ngoại trưởng các nước thuộc Liên đoàn Arập (AL) đã nhóm họp tại thủ đô Cairô của Ai Cập để thảo luận về tình hình trong khu vực, trong đó tâm điểm là cuộc khủng hoảng người di cư từ Syria tới châu Âu hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN