Nghị sĩ Mỹ kêu gọi ngừng viện trợ Ukraine giữa làn sóng biểu tình phản đối ông Zelensky

Nữ nghị sĩ Hạ viện Mỹ Marjorie Taylor Greene vừa lên tiếng chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng ông đang cản trở các nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình và kêu gọi chính quyền Washington chấm dứt việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Hạ nghị sỹ Mỹ Marjorie Taylor Greene tại cuộc họp báo ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin TASS ngày 23/7, trên nền tảng mạng xã hội X, bà Taylor Greene cho biết các cuộc biểu tình lớn đang diễn ra tại Kiev để phản đối Tổng thống Zelensky. Nữ nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi người dân Ukraine yêu cầu ông Zelensky từ chức, đồng thời đề nghị Mỹ ngừng tài trợ và gửi vũ khí cho Kiev.

Bà Marjorie Taylor Greene là một trong những nghị sĩ có quan điểm phản đối rõ rệt việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột tại nước này bùng phát vào năm 2022. Trước đó, bà đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các gói viện trợ trị giá hàng chục tỷ USD do chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất, cho rằng nguồn lực đó nên được ưu tiên cho các vấn đề nội tại như kiểm soát biên giới và giảm lạm phát.

Trong khi đó, tại Ukraine, dư luận đang có phản ứng mạnh mẽ sau khi Quốc hội nước này thông qua một đạo luật sửa đổi liên quan đến cơ chế giám sát hoạt động của các cơ quan chống tham nhũng. Với 263 phiếu thuận, đạo luật mới trao quyền kiểm soát Cơ quan Công tố Chống tham nhũng Đặc biệt (SAPO) cho Tổng công tố viên, đồng thời cho phép chuyển giao hồ sơ điều tra từ Cục Chống tham nhũng Quốc gia (NABU) sang các cơ quan khác.

Theo truyền thông Ukraine, đạo luật này làm dấy lên lo ngại về khả năng suy giảm tính độc lập của NABU cũng như Cơ quan Ngăn ngừa Tham nhũng Quốc gia - đơn vị giám sát việc kê khai tài sản của quan chức. Một số ý kiến cho rằng việc tập trung quyền lực vào Tổng công tố có thể làm suy yếu nỗ lực phòng, chống tham nhũng và gia tăng rủi ro can thiệp chính trị.

Ngay sau khi đạo luật được thông qua, khoảng 2.000 người đã tham gia biểu tình tại thủ đô Kiev, theo ghi nhận của trang Obshchestvennoye.Novosti. Các hoạt động tương tự cũng diễn ra tại một số thành phố khác như Lvov, Odessa, Ternopol, Poltava, Rovno và Dnipro. Tại Kiev, người biểu tình đưa ra yêu cầu liên quan đến việc miễn nhiệm Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andrey Yermak. Thị trưởng thành phố Kiev, ông Vitali Klitschko, được cho là đã có mặt tại hiện trường. Trong khi đó, tại Lvov, một số nhóm biểu tình bày tỏ ý định tổ chức một phong trào phản kháng quy mô lớn, tương tự các biến động chính trị trước đây ở Ukraine.

Diễn biến nói trên được nhận định là sẽ tạo thêm áp lực đáng kể đối với Tổng thống Zelensky trong bối cảnh ông đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng, cả trong nước lẫn quốc tế. Tại Mỹ, một bộ phận nghị sĩ, đặc biệt từ đảng Cộng hòa, đang đặt vấn đề về tính minh bạch trong quản lý viện trợ cũng như hiệu quả của các gói hỗ trợ quân sự dành cho Kiev. Cùng với đó, một số khảo sát gần đây cũng cho thấy tâm lý mệt mỏi trong dư luận Mỹ trước việc can dự kéo dài của Washington vào cuộc xung đột tại Ukraine.

Giới quan sát cho rằng nếu xu hướng phản đối viện trợ tiếp tục gia tăng trong Quốc hội Mỹ, chính quyền Ukraine có thể đối mặt với nguy cơ mất đi nguồn hỗ trợ quân sự quan trọng trong thời gian tới. 

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc
Mỹ chính thức lên tiếng về việc nối lại đàm phán hòa bình Ukraine–Nga tại Istanbul
Mỹ chính thức lên tiếng về việc nối lại đàm phán hòa bình Ukraine–Nga tại Istanbul

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tammy Bruce, nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump “không hài lòng với những gì đang xảy ra và các lựa chọn mà Liên bang Nga đang theo đuổi”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN