Ngày 31/1, phóng viên TTXVN tại Canada cho biết Thượng nghị sĩ Grassley khuyến nghị, trước khi Quốc hội xem xét phê chuẩn USMCA, chính quyền nên dỡ bỏ thuế nhập khẩu thép và nhôm từ hai đối tác thương mại hàng đầu nói trên và bảo đảm loại bỏ các loại thuế quan trả đũa để bảo vệ lợi ích của người nông dân.
Ông nhấn mạnh, nông dân Mỹ - chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc chiến thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc - lâu nay đã phàn nàn rằng họ sẽ không thể hưởng lợi hoàn toàn từ thỏa thuận thương mại mới nếu thuế quan còn tồn tại.
Giới chức Canada cũng đã phản đối mạnh mẽ các biện pháp áp thuế thép và nhôm của Tổng thống Mỹ Trump, đồng thời đẩy mạnh vận động để gỡ bỏ mức thuế này trong năm nay. Ngoại trưởng nước này Chrystia Freeland cho rằng, thuế thép và nhôm mà Mỹ áp đặt mâu thuẫn với một nội dung quan trọng của USMCA, và cần phải được gỡ bỏ.
Bà cũng hy vọng, thuế này sẽ được gỡ bỏ khi NAFTA mới được phê chuẩn và có hiệu lực. Nữ quan chức Canada cũng đã có nhiều cuộc tiếp với giới chức Mỹ để thúc đẩy quan điểm xóa bỏ thuế đối với thép và nhôm.
Trong nỗ lực này, Ottawa nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nhà lập pháp và doanh nghiệp Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn báo chí trung tuần tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định: “Canada và Mỹ có sự liên kết lớn về lợi ích thương mại.
Chúng tôi đã được nghe về các tác động tiêu cực do Mỹ áp thuế nhôm và thép từ các nghị sĩ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và thống đốc bang của Mỹ- họ đang liên kết, hợp tác với chúng tôi để tìm cách xóa bỏ các mức thuế không công bằng đối với thép và nhôm”.
Được biết, lập luận trên của các doanh nghiệp Mỹ tập trung vào một trong các nội dung chính của NAFTA, đó là việc nâng cao các yêu cầu về những chiếc ôtô do Bắc Mỹ chế tạo. Thực tế, các doanh nghiệp Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn từ việc Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm.
Trước đó, ngày 30/11/2018, ba nước Mỹ, Canada và Mexico đã ký USMCA, thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), với giá trị trao đổi thương mại 1.200 tỷ USD giữa ba nước. Sự kiện này chính thức khép lại một năm thương lượng khó khăn nhằm nâng cấp, hiện đại hóa NAFTA.
Tuy nhiên, để chính thức có hiệu lực, USMCA - còn gọi là NAFTA phiên bản 2.0 này - cần được Quốc hội 3 nước phê chuẩn. USMCA đã có những thay đổi kỹ thuật căn bản về các quy tắc sản xuất ôtô và xe tải, vấn đề mở cửa thị trường ngành công nghiệp sữa Canada, phạm vi trải rộng của tác quyền và quy tắc giải quyết tranh chấp...
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, Tổng thống Trump đã cam kết sẽ sửa đổi NAFTA. Và trong suốt thời gian đàm phán USMCA, ông từng đe dọa sẽ "xé nát" NAFTA và rút Mỹ ra khỏi hiệp định này.
Tuy nhiên, năm 2017, Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo, việc rời khỏi NAFTA mà không có thỏa thuận mới có thể tàn phá nền nông nghiệp Mỹ, khiến hàng trăm nghìn người mất việc làm và là một thảm họa về kinh tế, chính trị và an ninh quốc gia.