Giới phân tích dự báo gói chi tiêu khổng lồ này (tương đương với quy mô nền kinh tế Đức lớn nhất châu Âu năm 2020) phản ánh tầm nhìn dài hạn của Tổng thống Joe Biden - sẽ là nguồn cơn cho các cuộc tranh cãi căng thẳng tại hai viện Quốc hội Mỹ.
Dự thảo ngân sách trong 10 năm này được công bố sau dự luật đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD mà Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ thông qua trong ngày 10/8 trước khi chuyển sang Hạ viện phê chuẩn.
Theo Chủ tịch Uỷ ban Ngân sách Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders, gói ngân sách này sẽ mang lại hiệu quả nhất cho những người lao động, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh và người nghèo kể từ thời Tổng thống Franklin Delano Roosevelt và chương trình Thoả thuận mới vào những năm 30 của thế kỷ trước. Ông đồng thời nhấn mạnh dự thảo ngân sách này cũng sẽ đưa nước Mỹ vào vị trí dẫn dắt thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, làm cho Trái Đất trở nên trong lành và là mái nhà cho các thế hệ tương lai.
Dự thảo ngân sách này bao gồm cấp ngân sách cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu, đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng (trong đó có những danh mục không nằm trong dự luật đầu tư hạ tầng cơ sở sắp được Thượng viện thông qua), trao quy chế công dân Mỹ cho hàng triệu lao động nhập cư và miễn phí hai năm học tại các trường đại học công lập. Các Thượng nghị sĩ có thời gian đến ngày 15/9 tới để trình dự thảo sửa đổi.
Quốc hội Mỹ phải phê chuẩn các dự luật chi tiêu cuối cùng trước ngày 30/9 nhằm ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ, hoặc phải gia hạn ngân sách tài khoá hiện nay sang năm tài khoá mới trong khi vẫn tiếp tục thảo luận về các vấn đề này.
Tuy nhiên, trong khi các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Thượng viện sẵn sàng phê chuẩn dự thảo ngân sách này trong một cuộc bỏ phiếu, sớm nhất là trong tuần này, thì những nghị sĩ có quan điểm ôn hoà lại “e dè” về tổng giá trị của dự luật. Ngoài ra, phe Cộng hòa cũng bày tỏ không ủng hộ, hứa hẹn sẽ có các cuộc đàm phán nảy lửa về vấn đề này.