Nghị sĩ Anh chuẩn bị kiến nghị hoãn Brexit

Sau khi thỏa thuận Brexit về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) bị bác bỏ tại Hạ viện Anh tối 15/1 giờ địa phương (tức rạng sáng 16/1 giờ Việt Nam), các nghị sĩ Anh đang chuẩn bị đưa ra một kiến nghị hoãn tiến trình Brexit, vốn được quy định trong Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Trong khi đó, các bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Theresa May cũng đã có cuộc điện đàm với giới chủ doanh nghiệp và đề cập khả năng đẩy lùi thời điểm Brexit (là ngày 29/3 tới theo Điều 50).

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp bỏ phiếu của Hạ viện Anh về thỏa thuận Brexit đạt được giữa Chính phủ và Liên minh châu Âu (EU), tại London ngày 15/1/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một lãnh đạo doanh nghiệp tham gia cuộc điện đàm trên, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark và Bộ trưởng Brexit Stephen Barclay tiết lộ rằng "một kiến nghị đang được chuẩn bị nhằm trì hoãn Điều 50", và các chủ doanh nghiệp cũng đã hỏi các bộ trưởng về kịch bản Anh ra đi mà không có thỏa thuận. Nguồn tin trên cho rằng "không ai có thể biết rõ điều gì đang xảy ra", và "cần chờ xem Quốc hội đạt được sự đồng thuận nào".

Sáng sớm 16/1, hàng trăm nhà hoạt động chống Brexit đã mang cờ EU tụ tập bên ngoài trụ sở Quốc hội Anh và ăn mừng kết quả bỏ phiếu. Sarah Cuthbertson, một người về hưu 68 tuổi, bày tỏ rất vui mừng khi thỏa thuận Brexit đã bị bác bỏ, song cũng lo ngại khi nghĩ về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Một trong những người tổ chức cuộc tụ tập trên, ông Bert Wander cho biết: "Brexit là một con tàu đang chìm" và ví như thảm họa chìm tàu Titanic lịch sử. Những người tham gia kêu gọi Chủ tịch Công đảng đối lập Jeremy Corbyn xúc tiến cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng May.

Trước đó, Hạ viện Anh đã bác bỏ thỏa thuận Brexit với tỷ lệ áp đảo chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại của Vương quốc Anh:  202 phiếu thuận và 432 phiếu chống văn bản này. Ngay sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng May đã thừa nhận thất bại của chính phủ.

Người phát ngôn Công đảng đối lập tại Anh cho rằng điều mà nước Anh cần lúc này là một cuộc bầu cử và một thỏa thuận mới. Nếu Anh không thể có một cuộc bầu cử, mọi phương án đều được đưa ra để cân nhắc, bao gồm một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về vấn đề Anh rời EU.

Về phần mình, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho rằng Thủ tướng May nên tạm dừng tiến trình Brexit và tiến hành cuộc trưng cầu ý dân thứ hai.

Bích Liên (TTXVN)
Chứng khoán thế giới tăng điểm bất chấp liên quan tới Brexit
Chứng khoán thế giới tăng điểm bất chấp liên quan tới Brexit

Trong phiên giao dịch ngày 15/1, các thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đều tăng điểm và đồng bảng Anh vững giá mặc dù thỏa thuận về Brexit của Thủ tướng Theresa May đã không vượt qua “cửa ải” tại Hạ viện Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN