Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), những tên tội phạm được cho là đã tử vong vì dịch COVID-19, hầu hết là các trùm ma túy bị giam giữ tại nhà tù New Bilibid với hệ thống an ninh nghiêm ngặt. Trong số này, có tù nhân từng là nhân chứng quan trọng trong vụ chống lại Thượng nghị sĩ phe đối lập đang bị giam giữ Leila De Lima.
Sau khi qua đời, thi thể của các tù nhân này đã được hỏa táng mà không tiến hành khám nghiệm tử thi. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng đây có thể là một vụ gian lận để vượt ngục. Trước đó, nhà tù New Bilibid từng vướng phải bê bối các quan chức tham nhũng tiếp tay cho những tên tù nhân khét tiếng, giúp chúng tiếp tục điều hành các tập đoàn tội phạm từ phía sau nhà tù.
Theo một giấy chứng tử mà CNN Philippines thu thập được, nhân chứng chống lại bà Leila De Lima, có tên là Jaybee Sebastian, 40 tuổi, đã tử vong hôm 18/7. Người này được cho là qua đời vì nhồi máu cơ tim cấp tính và thi thể của anh ta được hỏa thiêu ngay lập tức. Truyền thông cho biết tình trạng bệnh tim của anh ta có liên quan đến dịch COVID-19. Một số tờ báo còn đăng tải bức ảnh hộp chứa túi đựng tro cốt của Sebastian.
“Có những lý do thuyết phục để điều tra sự việc này. Tại sao những người này không được khám nghiệm tử thi? Thân nhân của tù nhân có được thông báo hay không? Giấy chứng tử nói điều gì? Và có nhiều câu hỏi khác chưa được giải đáp”, Chủ tịch Thượng viện Vicente Sotto III cho biết hôm 20/7.
Ông Sotto muốn mở cuộc điều tra này vì xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng thi thể của Sebastian đã bị hoán đổi bằng thi thể của một tù nhân khác do không có dấu vân tay để xác nhận.
Phát ngôn viên của Cục Cải chính Philippines cho biết tính đến ngày 20/7, đã có 343 tù nhân của nhà tù New Bilibid nhiễm virus SARS-CoV-2 và 9 người tử vong vì dịch bệnh này.
Giám đốc Cục Cải chính Philippines, ông Gerald Bantag, từ chối cung cấp bất kỳ thông tin nào về những trường hợp tử vong. Ông cho biết họ không thể tiết lộ tên của tù nhân tử vong vì COVID-19 do quy định bảo mật dữ liệu.
Tờ Phil Star dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Philippines Menardo Guevarra cho biết ông Bantag đã bị triệu tập để lý giải về các quy trình hỏa thiêu xác chết do cục trên thực hiện.
Từng bị kết án với tội danh trùm buôn lậu ma túy, bắt cóc, trộm xe, năm 2016, Sebastian ra tòa làm chứng trong một buổi điều trần tại Quốc hội Philippines. Người đàn ông này khai rằng anh ta đã được yêu cầu chuyển ít nhất 1,4 triệu USD cho bà De Lima - người giữ vị trí Bộ trưởng Tư pháp khi đó - để ủng hộ chiến dịch chạy đua vào thượng viện của bà.
Bà De Lima giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 nhưng ngay lập tức đã trở thành đối thủ của Tổng thống Rodrigo Duterte vì đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc chiến chống ma túy, cướp đi hàng nghìn sinh mạng của ông. Tòa án đã ra lệnh bắt giam Bà De Lima vào năm 2017. Bà đã bị giam giữ mà không được bảo lãnh tại ngoại khi phiên toà được tiến hành.
Năm 2016, tờ Telegraph của Anh đã gọi Philippines “nhà tiên phong toàn cầu của những cái chết giả”. Họ cho biết chỉ với vài trăm bảng Anh, mọi người cũng có thể mua được một tờ giấy chứng tử.
Elizabeth Greenwood, tác giả một cuốn sách về thực hành giả chết của Mỹ, đã gọi Philippines là “điểm nóng của những vụ giả chết”. Trong một phần cuốn sách của mình, cô cho biết đã đến đất nước này để giả chết và nhận được giấy chứng tử đã chết trong một vụ tai nạn đường sắt.