Tại cuộc hội thảo của trung tâm đào tạo Forem dành riêng cho ngành xây dựng, ở Saint-Servais (Namur), Laurence Bailly xem xét công việc cách nhiệt mái nhà do một học viên nữ thực hiện: “Bạn sẽ làm gì trên công trường?". “Tôi sẽ xử lý bằng bọt xốp”, học viên trả lời.
Người phụ nữ 40 tuổi này là minh họa hoàn hảo cho một lĩnh vực đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động kinh niên và đang dần trở nên "nữ hóa" hơn. Để nâng cao nhận thức vê ngành nghề xây dựng, Forem đã tổ chức ngày hội mở với chủ đề “Những quý cô trong ngành xây dựng” nhằm thuyết phục phụ nữ thử sức với những nghề mà từ trước tới nay chỉ dành cho nam giới.
Laurence là một trong những phụ nữ tiên phong trong ngành xây dựng ở Bỉ. “Tôi đã làm việc trong ngành xây dựng được khoảng 11 năm”, cô cho biết.
Vốn là một nhà thiết kế nội thất, cô đã chuyển sang ngành xây dựng sinh thái vào đầu thập kỷ trước, trong một cửa hàng vật liệu. “Ở đó, tôi đã học lái chiếc xe nâng", Laurence mỉm cười cho biết. Sau đó, cô trở thành giám đốc dự án trong một cụm xây dựng sinh thái, trước khi gia nhập Forem với tư cách là giảng viên cách nhiệt, cách đây 5 năm.
Cô thừa nhận: “Trong lĩnh vực kỹ thuật, một phụ nữ có thể phải chứng minh kỹ năng của mình gấp bốn hoặc năm lần. Cô ấy phải thể hiện rằng mình ở đúng chỗ. Nhưng thời thế đang thay đổi». Và không có chuyện các học viên đặt câu hỏi về kỹ năng của cô ấy chỉ vì cô ấy là phụ nữ.
“Bạn phải phát triển theo thời gian và điều đó rất tốt. Kỹ thuật của tôi là dựa trên lý thuyết, bởi vì vì tôi không có nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn trên công trường. Sau đó, chúng tôi sẽ phát triển dần dần vì cách nhiệt là một vấn đề xuyên suốt", cô nói.
Sự cởi mở tương tự cũng có thể thấy ở doanh nghiệp. Laurence Bailly xác nhận: “Có một cựu thực tập sinh nữ được thuê làm quản lý công trường. Và một người khác hiện đang thực tập với tư cách là kỹ thuật viên cách nhiệt. Và tôi đã hỏi các công ty khác để tìm hiểu xem họ có chấp nhận phụ nữ thực tập hay không. Tôi chưa bao giờ bị từ chối. Là phụ nữ, chúng tôi thường mang đến sự bổ sung cho các nhóm. Nhưng điều chắc chắn là: bạn phải có cá tính".
Sự chào đón này rất quan trọng, bởi vì sự hiện diện của phụ nữ ngày càng tăng trong 60 khóa đào tạo mà Forem dành riêng cho ngành xây dựng: từ 178 vào năm 2018, đã tăng lên 228 vào năm ngoái với mức tăng 28% trong 5 năm. Đó là sự phát triển ấn tượng, ngay cả khi số lượng học viên nữ vẫn ít hơn 10 lần so với các học viên nam. Và theo Liên đoàn xây dựng Bỉ, số lượng nhân viên nữ đã tăng 19% từ năm 2015 đến năm 2020, trong khi cùng kỳ, số lượng công nhân độc lập tăng 35%.
Do đó, phụ nữ xuất hiện trong các lĩnh vực khác nhau của Forem. Nhưng có năm loại hoạt động đang trở nên đặc biệt "nữ hóa". Đó là họa sĩ trang trí, thợ mộc nội thất, thợ lát gạch, nhà thiết kế CAD (bản vẽ có sự hỗ trợ của máy tính) và nhà thiết kế “mô hình thông tin xây dựng” (BIM).
Tuy nhiên, không phải trong top 5 này mà Fanny mới tìm được hạnh phúc cho mình. Ở tuổi 23, cô tiếp tục học nghề thợ lợp mái nhà. Với ba tuần ở công ty và một tuần khác ở trung tâm ở Saint-Servais, tháng 10 tới cô sẽ hoàn thành khóa học sau khi trải qua bài thi chuyên môn do Forem tổ chức về mái nhà và kết cấu.
"Sau khi tốt nghiệp trung học với chuyên ngành hoạt hình và có được bằng học nghề CESS, tôi đã bắt đầu một năm học tại trường cao đẳng để trở thành trợ lý tâm lý học. Sau đó, tôi học năm thứ 7 về an ninh, trước khi làm việc cho Công ty dịch vụ bưu chính Hà Lan - Post NL", Fanny kể.
Khi mất việc, Fanny thấy rõ là cô cần một công việc có các ràng buộc cả thể chất và trí óc đều quan trọng. Ngành xây dựng dường như là một lựa chọn lý tưởng. "Cha mẹ tôi không bất ngờ khi tôi thông báo cho họ", cô cười. "Họ biết rằng tôi muốn làm một công việc thể chất. Mẹ tôi chỉ có một nỗi lo nhỏ vì phải làm việc ở trên cao".
Christophe Peeters, giáo viên của Fanny cho biết : "Tôi đã đào tạo ba học viên nữ trong vòng 10 năm qua và công việc của họ luôn hoàn hảo. Họ thậm chí còn cẩn thận hơn cả nam giới. Hãy xem công việc của Fanny trong kết thúc mô-đun về việc lợp mái bằng ngói: nó rất tốt", giáo viên nhận xét.
Về việc hội nhập doanh nghiệp, mọi thứ diễn ra suôn sẻ.
Tại công ty, giám đốc không phân biệt giữa nam với nữ. Tất cả đều được đối xử bình đẳng. Và Fanny là một công nhân như bất kỳ ai khác. "Tôi không yêu cầu người khác đảm nhận sự lựa chọn của tôi và mang vác hộ tôi các tấm ngói hoặc gạch. Và khi quá nặng, như khi mang một cuộn chì hoặc tấm phủ, thì không nên sợ sệt để đề nghị sự giúp đỡ".
Điều cũng hấp dẫn cô gái trẻ này là sự đảm bảo sẽ tìm được việc làm khi kết thúc khóa đào tạo: cô hiện đang thực tập tại một công ty nhỏ trong vùng, nơi chủ nhân đang đào tạo cô "theo cách của mình", với ý định tuyển dụng cô. "Chúng tôi có tỷ lệ đạt được việc làm từ 85 đến 90% trong ngành lợp mái", Christophe Peeters cho biết. "Rõ ràng là việc có một nghề nghiệp ổn định cũng đã thuyết phục tôi chọn ngành xây dựng vì chúng ta cũng phải chọn nghề dựa trên sự khan hiếm. Nhưng bạn cũng phải làm điều đó với niềm đam mê", Fanny chia sẻ.
Xây dựng không phải là lĩnh vực duy nhất được cho là "nam tính" và thu hút phụ nữ, mà nghề lái xe tải cũng đang hướng sang "phái yếu".
Năm 2018, 105 nữ tài xế đã lấy được bằng C thông qua Forem, trong số 1.337 học viên nghề tài xế xe tải được Văn phòng việc làm Wallonia đào tạo. Kể từ đó, các thống kê thể hiện một sự dao động không đều: có 119 người tốt nghiệp vào năm 2019, 68 người vào năm 2020 (năm của phong tỏa do Covid), 72 người vào năm 2021 và 95 người vào năm 2022, khi tình hình đã quay trở lại bình thường sau khi dịch bệnh được khống chế.
Trong khi đó, số lượng nam giới chưa bao giờ giảm dưới mức 1.000 học viên, trong một ngành nghề đang trong tình trạng thiếu hụt từ nhiều năm mà việc nhận được tấm bằng quý giá này mở ra cơ hội việc làm trực tiếp.
Trong lĩnh vực giao thông công cộng, Công ty vận tải công cộng Wallonie (TEC) gần đây đã phối hợp với Forem để phát động một chiến dịch tuyển dụng gần 500 tài xế xe buýt. Kỳ vọng từ chiến dịch này là cung cấp cơ hội việc làm cho mọi giới tính một cách công bằng, không phân biệt nam/nữ.
Thông qua sự tham gia tích cực của phụ nữ, chiến dịch này chứng minh rằng không gian làm việc truyền thống có thể mở rộng để chào đón đa dạng giới tính và tạo ra cơ hội bình đẳng cho mọi người. Điều này đã được thể hiện qua việc gần 20% ứng viên dự tuyển là nữ và cho thấy sự quan tâm và sẵn lòng tham gia của phụ nữ trong ngành giao thông công cộng.