Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, đây lần đầu tiên một Chủ tịch Hội đồng EU đưa ra sáng kiến về lĩnh vực này, cho thấy cam kết của Bỉ về cách tiếp cận toàn diện và có sự tham gia của công dân trong việc xây dựng các chính sách của châu Âu.
Hội đồng công dân bao gồm 60 người được chọn ngẫu nhiên từ hơn 16.000 lời mời được gửi đi khắp nước Bỉ, gồm đại diện mọi độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn và các tiêu chí nhân khẩu học khác. Sự đa dạng này đảm bảo cho các cuộc thảo luận và đề xuất phản ánh những quan điểm bắt nguồn từ trải nghiệm sống của mọi người.
Phiên họp đầu tiên của hội đồng này đã diễn ra cuối tuần qua tại Brussels. Thông qua sự hỗ trợ của các điều phối chuyên nghiệp, phiên họp giúp cho các thành viên hiểu rõ hơn về AI, các cơ hội và tác động xã hội tiềm tàng của AI. Sau hội thảo đầu tiên này, người tham gia được trang bị tốt hơn kiến thức về AI để tham gia các hội thảo tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 23 - 24/3 và ngày 20 - 21/4, đồng thời sẽ cho phép họ đưa ra quan điểm về sự phát triển của AI ở châu Âu.
Phát biểu về sự kiện, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu của Bỉ Hadja Lahbib nhấn mạnh: “Sáng kiến này thể hiện mong muốn của chúng tôi đặt người Bỉ vào trung tâm của quá trình ra quyết định”. Theo bà Lahbib, người dân phải được lắng nghe về các vấn đề quan trọng như AI và đóng góp vào các chính sách đầy tham vọng đáp ứng mong đợi của họ. Bà nói: “Chúng tôi cam kết, cùng với toàn bộ chính phủ liên bang, chuyển tiếp các ý kiến được bày tỏ trong hội thảo tới các tổ chức khác nhau của châu Âu”.
Kết luận của hội thảo sẽ được trình bày trước các nhà lãnh đạo chính trị Bỉ và châu Âu vào ngày 25/5 tới.
AI hiện có mặt khắp nơi trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này đặt ra câu hỏi tác động của AI đến công việc, sức khỏe, giáo dục hay thậm chí là an ninh. AI cũng là trung tâm của các cuộc tranh luận hiện nay về độc lập công nghệ, hòa nhập kỹ thuật số và thông tin sai lệch, đòi hỏi một cách tiếp cận có tính phối hợp và có tầm nhìn của châu Âu.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng EU, Bỉ đã góp phần phát triển Đạo luật AI, nhằm điều chỉnh việc sử dụng AI ở EU. Hội đồng công dân này sẽ cho phép Bỉ tiến xa hơn bằng cách tích hợp tiếng nói của công dân để phản ánh tốt hơn quan điểm của họ trong các chính sách tương lai về AI. Mặc dù không mang tính ràng buộc nhưng ý kiến của Hội đồng công dân này góp phần truyền cảm hứng cho các chính sách tương lai của châu Âu về AI.