Sự cố mới đây nhất xảy ra với máy bay 737 MAX của hãng hàng không Alaska Airlines đã khiến ngành hàng không phải đối mặt với một loạt vấn đề với quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng của Boeing.
FAA mới đây đã cấm Boeing tăng cường sản xuất máy bay 737 MAX. Lệnh cấm này của FAA có nghĩa là Boeing có thể tiếp tục sản xuất máy bay 737 MAX ở mức sản lượng hàng tháng như hiện nay, nhưng không được gia tăng. FAA không đưa ra ước tính nào về khoảng thời gian lệnh giới hạn trên có hiệu lực, và cũng không nói rõ số máy bay mà Boeing có thể sản xuất mỗi tháng.
Sự can thiệp chưa từng có tiền lệ nói trên của FAA vào kế hoạch sản xuất có thể làm chậm hơn nữa việc bàn giao máy bay mới cho các hãng hàng không và ảnh hưởng đến cả các nhà cung cấp, vốn đã bị thiệt hại từ sự cố trước đây với dòng máy bay MAX và đại dịch COVID-19.
Động thái nói trên có thể ảnh hưởng nhiều đến một số hãng hàng không. Nhiều hãng ở Mỹ gần đây cho biết đã điều chỉnh các kế hoạch trong năm 2024. Alaska Air Group, hãng hàng không vận hành chiếc máy bay 737 MAX 9 gặp sự cố mới đây, dự đoán lợi nhuận của công ty sẽ giảm 150 triệu USD trong năm 2024 do máy bay này bị đình chỉ bay gần ba tuần qua. Việc máy bay 737 MAX bị đình chỉ bay và khả năng máy bay mới được bàn giao trễ đã phủ bóng lên các kế hoạch gia tăng năng lực vận chuyển trong năm nay của Alaska Air.
Southwest Airlines đã thay đổi các kế hoạch với đội bay của hãng trong năm 2024 do các diễn biến nói trên và bất ổn trong việc cấp phép đối với dòng máy bay nhỏ hơn là MAX 7. Trước sự cố nói trên, Southwest dự đoán MAX 7 sẽ được cấp phép vào tháng Tư tới.
Trong khi đó, hãng hàng không United Airlines có 100 máy bay MAX dự kiến được bàn giao trong năm nay. United Airlines cảnh báo hãng này có thể bị lỗ nhiều hơn dự đoán trong quý I do lệnh cấm bay đối với máy bay 737 MAX. Giám đốc điều hành (CEO) Scott Kirby cho biết hãng này cũng sẽ xây dựng một kế hoạch đội bay mới vì dự chậm trễ của Boeing.
FAA đã cho phép máy bay MAX 9, hiện đang bị đình chỉ bay, được hoạt động trở lại khi hoàn tất quá trình kiểm tra. Đây là tin vui đối với các hãng hàng không vận hành máy bay này như Alaska và United Airlines. Hai hãng này đã phải hủy hàng ngàn chuyến bay và đang đặt mục tiêu vận hành trở lại máy bay này vào ngày 26/1.
Boeing đang tìm cách gia tăng sản lượng các máy bay cùng dòng với 737 MAX để đáp ứng nhu cầu và bắt kịp Airbus. Giới phân tích đã bày tỏ lo ngại rằng việc thắt chặt kiểm soát các nhà máy của Boeing có thể cản trở khả năng gia tăng sản lượng loại máy bay nhỏ hơn là MAX 8, vốn là một nguồn doanh thu lớn đối với Boeing và nhiều nhà cung cấp.
Quá trình phục hồi ngoạn mục của ngành hàng không toàn cầu hậu đại dịch COVID-19 có thể sẽ sớm kết thúc. Các báo cáo gần đây cho thấy sự ổn định trên một số chỉ số chính của ngành hàng không, khi tốc độ tăng trưởng mạnh kết thúc và một kỷ nguyên bình thường mới bắt đầu.
Báo cáo tháng 12 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết: “Năm 2024 dự kiến sẽ đánh dấu sự kết thúc của đà tăng ấn tượng hàng năm, vốn là đặc trưng của giai đoạn phục hồi hậu đại dịch từ năm 2021 tới năm 2023”. Theo IATA, công suất bay toàn cầu dự kiến sẽ được khôi phục, với khoảng 40 triệu chuyến bay (tăng từ 38,9 triệu vào năm 2019), dự kiến sẽ chở kỷ lục 4,7 tỷ lượt khách (tăng từ 4,5 tỷ lượt khách vào năm 2019).
Theo công ty tư vấn AMEX GBT Consulting, khi nhu cầu du lịch giải trí giảm bớt và xu hướng du lịch "trả thù" kết thúc, cung và cầu trong ngành hàng không thương mại đang đạt trạng thái cân bằng, điều này sẽ giúp giá vé máy bay ổn định trong năm 2024.
Theo Báo cáo xu hướng toàn cầu của công ty tư vấn FCM Consulting trong quý III/2023, giá vé máy bay toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 3% -7% vào năm 2024, do các hãng hàng không phải vật lộn với chi phí nhiên liệu cao, những thay đổi về tính bền vững và nhu cầu nâng cấp đội bay. Tuy nhiên, một số báo cáo khác dự đoán giá vé máy bay sẽ giảm.
Còn theo Báo cáo Thị trường Du lịch Triển vọng năm 2024 của công ty khai thác các dịch vụ du lịch BCD Travel, giá vé máy bay toàn cầu dự kiến sẽ giảm vào năm 2024, nhưng chỉ giảm nhẹ dưới 1% so với năm 2023, với giá vé máy bay đến và đi từ châu Á giảm rõ rệt hơn (3% cho hạng thương gia, gần 4% cho hạng phổ thông). Công ty này nói thêm: “Sau đợt tăng giá vé đáng kể gần đây, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ có một đợt điều chỉnh giá khiêm tốn ở một số thị trường vào năm 2024, mặc dù giá vé cơ bản nhìn chung vẫn ở mức cao".
Tuy nhiên, báo cáo Air Monitor 2024 của AMEX, công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ, dự đoán giá vé máy bay quốc tế sẽ giảm vào năm 2024 - đặc biệt là các chuyến bay giữa Bắc Mỹ và châu Á.
Khách du lịch ở Mỹ có thể tiết kiệm được kha khá từ việc giá vé máy bay giảm, đó là nhận định của công ty du lịch Hopper khi họ dự kiến giá vé máy nay ở Mỹ sẽ giảm - ít nhất là trong sáu tháng đầu tiên của năm nay.
Ông John Grant, nhà phân tích trưởng của công ty dữ liệu du lịch OAG cho biết, nhìn chung, hành khách không nên mong đợi nhiều thay đổi vào năm 2024. Ông nói: “Ngành hàng không sẽ tiếp tục giữ nguyên hiện trạng, chỉ có những biến động nhỏ về giá vé. Mặc dù chúng ta có thể thấy giá vé giảm nhẹ khi nhu cầu hạ nhiệt trong mùa thấp điểm, nhưng các nguyên tắc cơ bản của chi phí vận hành cao cùng với mức chi trả lương tăng, giá dầu cao,... cho thấy sẽ không thấy nhiều sự thay đổi”.
Theo AMEX, nhiều hãng hàng không đã báo cáo doanh thu kỷ lục vào năm 2023, nhưng “tình hình có thể kém thuận lợi hơn vào năm 2024”. Báo cáo Air Monitor 2024 nêu ra những áp lực khác mà ngành hàng không phải đối mặt, bao gồm các vấn đề địa chính trị, vấn đề về chuỗi cung ứng, thiếu nhân sự cũng như chi phí nhiên liệu và lao động tăng cao.
Tuy vậy, một số yếu tố thuận lợi có thể thúc đẩy ngành này trong năm 2024, bao gồm cả sự phục hồi của hoạt động đi lại vì mục đích công việc. IATA dự đoán doanh thu và lợi nhuận của ngành này dự kiến sẽ đều tăng vào năm 2024, lần lượt đạt 964 tỷ USD và 25,7 tỷ USD.