Trong bối cảnh Cơ quan Quản lý năng lượng của Anh (Ofgem) tuyên bố giá trần năng lượng có thể “tăng sốc” 80% lên 3.549 bảng từ 1/10, chính quyền các địa phương đã lên kế hoạch sử dụng những tòa nhà công cộng làm nơi trú ngụ giúp người dân được sưởi ấm trong mùa đông này.
Mức già trần này dự kiến có thể leo thang hơn nữa khi giá khí đốt toàn cầu tăng. Điều này tác động gây khủng hoảng chi phí sinh hoạt rộng hơn khi vào tháng 10 lạm phát 11,1% ở mức cao nhất trong 41 năm trong khi lương không thay đổi. Tình huống này đe dọa đẩy hàng triệu người rơi vào đói nghèo trong mùa đông này.
Các chuyên gia nhận định rằng giá năng lượng tăng vọt tại Anh đang buộc người dân phải chọn lựa giữa việc sưởi ấm căn nhà hoặc nấu ăn. Và tình hình này được dự đoán sẽ còn trầm trọng hơn. Theo tổ chức từ thiện National Energy Action, khoảng 8,4 triệu hộ gia đình tại Anh sẽ rơi vào đói nghèo từ tháng 4/2023.
Theo một báo cáo của Viện Công bằng Y tế thuộc Đại học College London, trong giai đoạn 2020 - 2021 có khoảng 63.000 trường hợp tử vong vì lạnh tại Anh và xứ Wales. Trong đó có 10% trường hợp bắt nguồn từ tình trạng không có khả năng kinh tế để sưởi ấm, cao hơn mức trung bình của Bắc châu Âu.
Trong tháng 7, giới chức tại Bristol và Gateshead đã rục rịch chuẩn bị những không gian công cộng sưởi ấm miễn phí cho người dân. Đến nay London, Birmingham, Dundee, Glasgow và nhiều nơi khác trên khắp nước Anh đã học hỏi thực hiện điều tương tự.
Cũng giống như các ngân hàng thực phẩm được thiết lập để nhận hàng ủng hộ và phân phát nhu yếu phầm khẩn cấp đến các gia đình thu nhập thấp, “ngân hàng sưởi ấm” có mục tiêu hỗ trợ những người không có khả năng chi trả hóa đơn năng lượng dùng để sưởi ấm nơi ở của họ.
Cô Carol Morrison thường đến “ngân hàng sưởi ấm” tại thư viện cộng đồng ở Đông Nam London bộc bạch: “Khi tôi ở đây, cảm giác như mọi thứ biến mất. Tôi không phải lo lắng về điều gì”. Tuy nhiên “ngân hàng sưởi ấm” này thường đóng cửa từ 5 giờ tối và khi về nhà, Carol thường lên thẳng giường bởi không thể sưởi ấm được căn nhà của bản thân. Carol cũng chia sẻ điều này ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của cô. Cô nói: “Thật tuyệt vọng, tôi cảm thấy bị cô lập, không muốn nói chuyện với mọi người, không quan tâm và chỉ thấy buồn”.
Cô Kim Griffiths, một tình nguyện viên tại “ngân hàng sưởi ấm” mở từ ngày 8/11 ở nhà thờ Elim thuộc khu Worthing, West Sussex - chia sẻ với Euronews: “Chúng tôi không thể chịu nổi khi biết rằng có những người ở ngoài kia trong giá lạnh. Chúng tôi phải làm điều gì đó”. Người dân khi đến “ngân hàng sưởi ấm” còn được nhận trà, cà phê và súp ấm.
Nhưng cô Kim cũng lo lắng sẽ có nhiều người không tìm đến “ngân hàng sưởi ấm”. Cô nói: “Vẫn có kỳ thị đối với những người không thể chi trả nổi hóa đơn sưởi ấm. Có rất nhiều người muốn đến mặc dù nơi ở của họ lạnh giá nhưng lại lo ngại sẽ bị đánh giá”.
Ngoài một nơi để giữ ấm, “ngân hàng sưởi ấm” còn là nơi hỗ trợ cảm xúc, tâm lý của người dân.
Ông Andrew Fadoju, người vận hành “ngân hàng sưởi ấm” tại nhà thờ Elim cho biết: “Nếu họ biết rằng có điều để chờ đợi trong tuần tới, như trò chuyện, cà phê hoặc một ít trà, điều đó thực sự giúp đỡ nhiều cho họ về sức khỏe tâm thần”.
Trong khi đó, ông Daniel Andrews tại “ngân hàng sưởi ấm” ở thư viện Wandsworth chia sẻ rằng nơi đây ghi nhận số khách đến tăng lên. Ông cũng đề cập: “Vai trò của chúng tôi là cung cấp nơi an toàn, ấm áp đồng thời đưa ra cả lời khuyên cho những người có nhu cầu”.
Chính phủ Anh cho biết sẽ hỗ trợ người dân nước này trong khủng hoảng chi phí sinh hoạt như giúp các hộ gia đình chi trả hóa đơn năng lượng, cung cấp bữa ăn miễn phí tại trường cho hàng triệu trẻ em.