Nhà cung cấp năng lượng 'đáng tin cậy' Algeria phản đối việc áp giá trần khí đốt của EU

Giới hạn giá khí đốt của EU, đã được thống nhất vào đầu tuần này sau nhiều tháng đàm phán, sẽ được áp dụng từ ngày 15/2/2023 và kéo dài trong một năm.

Chú thích ảnh
Nhà máy sản xuất khí công nghiệp hóa lỏng của công ty tư nhân Calgaz, tại Ouargla, miền Nam Algeria. Ảnh: EPA

Theo theo hãng thông tấn APS (Algeria), nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu của châu Phi là Algeria ngày 20/12 đã lên tiếng phản đối việc EU áp giá trần khí đốt tự nhiên, cho rằng điều đó sẽ đe dọa các khoản đầu tư ở thượng nguồn (upstream).

Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mohamed Arkab cho biết nước này “không ủng hộ ý tưởng hạn chế giá”, sau khi các bộ trưởng năng lượng EU đồng ý mức giá trần tạm thời để giảm thiểu khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ông Arkab nhấn mạnh trong một cuộc họp báo: "Các thị trường năng lượng phải được tự do để các hoạt động đầu tư ở thượng nguồn tiếp tục diễn ra. Algeria được coi là nhà cung cấp đáng tin cậy và an toàn cho châu Âu và chúng tôi hoàn toàn nhất trí với các đối tác châu Âu về giá cả trong dài hạn".

Các bộ trưởng năng lượng của EU đã đạt được thỏa thuận hôm 19/12 để hạn chế giá khí đốt quá cao, sau nhiều tháng tranh luận về việc có nên thực hiện áp giá trần đối với hàng nhập khẩu vào châu Âu hay không. Các nước EU hiện lo ngại sẽ khó đổ đầy các bể chứa khí đốt kịp thời cho mùa đông năm tới.

Mức trần sẽ được kích hoạt nếu giá tiêu chuẩn châu Âu đối với khí đốt tự nhiên tương lai vượt quá 180 euro mỗi megawatt giờ trong ba ngày liên tiếp.

Nga, từng là nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu sang EU, đã cắt giảm số lượng để đáp trả một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây với nước này. Điện Kremlin cũng đã chỉ trích gay gắt cơ chế mới trên của EU.

Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Algeria cung cấp khoảng 11% lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu. Một loạt các quan chức châu Âu đã đến thăm Algeria trong những tháng gần đây để tìm kiếm các thỏa thuận cung cấp nhằm giúp giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Ngày 5/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết trong chuyến thăm tới quốc gia Bắc Phi này rằng, Algeria là nhà cung cấp năng lượng “đáng tin cậy”, trong bối cảnh châu Âu tranh giành để thay thế nguồn cung từ Nga.

Công Thuận/Báo Tin tức
Vụ bê bối tham nhũng rúng động châu Âu có khiến Qatar cắt nguồn cung khí đốt cho EU?
Vụ bê bối tham nhũng rúng động châu Âu có khiến Qatar cắt nguồn cung khí đốt cho EU?

Trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa lắng dịu, vụ bê bối tham nhũng gây rúng động Nghị viện châu Âu (EP) có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới Qatar.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN