Ngân hàng Đầu tư châu Âu tuyên bố không thể đầu tư vào Iran

Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã tuyên bố việc đầu tư vào Iran sẽ đẩy hoạt động kinh doanh toàn cầu của ngân hàng này vào nguy hiểm bất chấp kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU)

Iran sẵn sàng làm giàu urani nếu thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 18/7, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã tuyên bố việc đầu tư vào Iran sẽ đẩy hoạt động kinh doanh toàn cầu của ngân hàng này vào nguy hiểm bất chấp kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay với Tehran cũng như những doanh nghiệp có ý định hoạt động tại quốc gia này.


Chủ tịch EIB Werner Hoyer cho biết dù ông ủng hộ những nỗ lực của EU nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran song Iran là thị trường mà EIB "không thể đóng vai trò chủ động". EIB lo ngại việc hợp tác với Iran sẽ làm tổn hại tới khả năng huy động vốn của ngân hàng tại thị trường Mỹ và những hệ lụy rộng hơn với các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Ủy ban châu Âu, ông Hoyer khẳng định hiện không có ngân hàng châu Âu nào có thể kinh doanh tại Iran hoặc là hợp tác với chính quyền Tehran. Điều cần phải lưu ý là trên thực tế mô hình kinh doanh ngân hàng sẽ gặp nguy nếu hoạt động tại Iran vào lúc này.


Đây được coi như lời từ chối công khai mới nhất nhằm vào kế hoạch của EU nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, mà trong đó EIB là một trong các trụ cột. Kế hoạch EU gồm các trụ cột chính trong đó có các khoản cho vay của EIB như một "tấm chắn đặc biệt" bảo vệ các doanh nghiệp của khối này khỏi những biện pháp trừng phạt thứ phát từ Mỹ và đề xuất cho phép chính phủ các nước thành viên EU chuyển tiền trục tiếp với Ngân hàng Trung ương Iran để tránh các khoản phạt của Mỹ. Trước đó, trong nỗ lực nhằm giữ cho dòng vốn tiếp tục đổ về Tehran khi Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt, EU đã đồng ý cho phép bổ sung Iran vào danh sách các quốc gia mà EIB có thể hoạt động. Tuy nhiên, quyết định bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8 này lại không mang tính bắt buộc.


Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký kết năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5 + 1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức). Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, đồng thời Nhà Trắng quyết định áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran. Mặc dù các bên còn lại trong thỏa thuận cam kết vẫn tuân thủ JCPOA, song nhiều công ty nước ngoài đã bắt đầu thu hẹp hoạt động tại Iran để hạn chế những thiệt hại do có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo giới phân tích, các doanh nghiệp châu Âu đầu tư lớn vào Iran sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ dần trong 3 năm qua bị thiệt hại nặng nề nhất từ các quyết định này của Mỹ.


TTXVN/Tin tức
Iran sẵn sàng làm giàu urani nếu thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ
Iran sẵn sàng làm giàu urani nếu thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ

Ngày 17/7, Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết, Tehran sẵn sàng tăng cường hoạt động làm giàu urani lên mức độ cao hơn nếu các cuộc đàm phán với châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký với các cường quốc thế giới thất bại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN