Iran kiện Mỹ lên tòa án quốc tế liên quan các biện pháp trừng phạt mới

Ngày 16/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết nước này đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tòa án Công lý quốc tế của Liên hợp quốc (ICJ) liên quan tới các biện pháp trừng phạt mới chống Iran.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh việc Iran kiện Mỹ là nhằm buộc Washington phải chịu trách nhiệm về việc áp đặt trở lại một cách bất hợp pháp các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Tehran. Iran cam kết tuân thủ các luật định trong khi Mỹ phớt lờ các nghĩa vụ pháp lý và ngoại giao của mình. Theo nhà ngoại giao hàng đầu Iran, chống lại thói quen vi phạm luật quốc tế của Mỹ là việc cấp bách hiện nay.

Hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này đang thúc giục các nước đồng minh ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran đến ngày 4/11 tới. Lo ngại trước những đe dọa trừng phạt của Mỹ, một số công ty quốc tế, từng ký thỏa thuận lớn với Iran trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và ngành công nghiệp xe hơi sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2015, đã thông báo việc rút khỏi Iran.

Theo thỏa thuận hạt nhân, được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký kết năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5 + 1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức), các biện pháp trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước này dần được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran bảo đảm tính chất hòa bình của các hoạt động hạt nhân. Thỏa thuận quy định Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm làm giàu urani, mặc dù hạn chế về chủng loại và số lượng máy trong 10 năm đầu thực hiện thỏa thuận. Ngoài ra, Tehran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, đồng thời Nhà Trắng quyết định áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran. Mặc dù các bên còn lại trong thỏa thuận cam kết vẫn tuân thủ JCPOA, song nhiều công ty nước ngoài đã bắt đầu thu hẹp hoạt động tại Iran để hạn chế những thiệt hại do có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo giới phân tích, các doanh nghiệp châu Âu đầu tư lớn vào Iran sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ dần trong 3 năm qua bị thiệt hại nặng nề nhất từ các quyết định này của Mỹ.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif khẳng định Iran là "thị trường đáng tin cậy và an toàn nhất" đối với các hoạt động đầu tư của nước ngoài.

Phát biểu trước các đại diện nước ngoài trong một cuộc họp tại Iran, đề cập đến áp lực về tài chính và kinh tế của Mỹ đối với Tehran, Ngoại trưởng Zarif cho hay nước Cộng hòa Hồi giáo này đã trải qua nhiều khó khăn kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, và người dân Iran đã luôn ủng hộ mạnh mẽ nhà nước trước hàng loạt sức ép.

Việc gây sức ép có thể gây ra tác động tiêu cực đối với thị trường, nhưng khu vực tư nhân vẫn luôn giải quyết được các vấn đề. Ông khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào thị trường Iran.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này đã hối thúc các đồng minh ngừng nhập khẩu dầu từ Iran trước ngày 4/11. Một số công ty quốc tế ký thỏa thuận lớn với Iran trong lĩnh vực năng lượng, vận tải và xe hơi sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã tuyên bố rời Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ.

TTXVN/Báo Tin tức
Mỹ sẽ xem xét một số miễn trừ liên quan tới lệnh trừng phạt Iran
Mỹ sẽ xem xét một số miễn trừ liên quan tới lệnh trừng phạt Iran

Mỹ muốn tránh gây rối loạn các thị trường dầu mỏ toàn cầu khi áp đặt lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran và trong một số trường hợp nhất định sẽ xem xét miễn trừ đối với những nước cần thời gian để giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN