Hãng tin Reuters (Anh) dẫn nguồn tin trên cho biết Mỹ đã đề xuất biện pháp trên với Ủy ban các biện pháp trừng phạt Triều Tiên tại HĐBA LHQ gồm 15 thành viên hoạt động trên cơ chế đồng thuận. Danh sách các cá nhân và thực thể mà Mỹ đưa lên trùng khớp danh sách mà Bộ Tài chính Mỹ mới công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt tuần trước. Nga phản đối vì cho rằng các luận điểm mà Mỹ đưa ra không đủ thuyết phục trong khi Trung Quốc không nêu rõ lý do.
Tuần trước, Mỹ công bố áp đặt trừng phạt ngân hàng thương mại Agrosoyuz có trụ sở tại Moskva, chủ ngân hàng người Triều Tiên Ri Jong Won, Công ty Dandong Zhongsheng Industry & Trade có trụ sở tại Trung Quốc và Tập đoàn Korea Ungum có trụ sở tại Triều Tiên, với cáo buộc các đối tượng có hoạt động trao đổi với những thực thể trong danh sách trừng phạt của Washington.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua, với kết quả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa, Nga và Trung Quốc đã đề xuất thảo luận tại HĐBA LHQ về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Mỹ và các thành viên khác khẳng định duy trì sức ép tối đa cho tới khi Triều Tiên có các hành động cụ thể. Hồi tháng trước Mỹ cũng đề xuất lên HĐBA LHQ cấm các quốc gia xuất khẩu dầu tinh luyện tới Triều Tiên, song Nga và Trung Quốc không chấp thuận vì cho rằng thiếu những bằng chứng cụ thể để chứng minh Bình Nhưỡng vi phạm các biện pháp trừng phạt.
Mỹ và HĐBA LHQ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt, bao gồm cấm Triều Tiên xuất khẩu than đá, sắt, chì, sản phẩm dệt may và hải sản, đồng thời hạn chế Triều Tiên nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm dầu tinh luyện, nhằm cắt nguồn tài chính được cho là sử dụng cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.