Nga, Trung Quốc đề nghị dỡ bỏ một số lệnh cấm vận với Triều Tiên

Nga và Trung Quốc vừa đệ trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và nhanh chóng nối lại đàm phán “sáu bên”. 

Chú thích ảnh
Một góc thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Sputnik

Đài Sputnik đưa tin dự thảo trên đề xuất miễn trừ lĩnh vực hợp tác đường bộ và đường sắt liên Triều khỏi danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc cũng như dỡ bỏ toàn bộ biện pháp cấm vận do HĐBA LHQ trực tiếp áp dụng liên quan đến vấn đề dân sinh, cùng nhiều lĩnh vực khác. 

Bên cạnh đó, dự thảo của Nga và Trung Quốc cũng kêu gọi nhanh chóng nối lại các vòng đàm phán “sáu bên” hay tái khởi động các cuộc tham vấn đa phương dưới bất kỳ hình thức tương tự nào khác, với mục tiêu tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình và toàn diện thông qua đối thoại, giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như thúc đẩy cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi ở Đông Bắc Á. 

Dự thảo cho hay các quốc gia thành viên LHQ nên chấm dứt yêu cầu tất cả công dân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài trở về nước trước ngày 22/12. 

Sputnik dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết ngày bỏ phiếu về việc thông qua dự thảo nghị quyết trên vẫn chưa được ấn định. 

Triều Tiên đã trở thành đối tượng trừng phạt của LHQ từ năm 2006 liên quan đến những vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của quốc gia này. Từ năm 2018, Mỹ và Triều Tiên đã tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh và nhất trí bình thường hóa quan hệ về cơ bản, trong khi theo đuổi một chính sách phi hạt nhân hóa. 

Sau hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội hồi tháng 2/2019, Bình Nhưỡng cam kết chấm dứt thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tuy nhiên, cam kết không ràng buộc này đã không bao gồm các vụ thử nghiệm động cơ hoặc phóng các vệ tinh hay tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn.
Các cuộc đàm phán đã đi vào bế tắc với việc Washington đòi hỏi Bình Nhưỡng đưa ra những bước đi dứt khoát hơn. Trong khi đó, Triều Tiên lại đổ lỗi cho Mỹ không tuân thủ đúng những động thái thiện chí trước đó.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã được phá băng đáng kể từ sau khi hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2011 và năm 2012. Ông Kim đã đến thăm Trung Quốc 4 lần từ tháng 3/2018 trong khi ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên thăm Triều Tiên trong 14 năm. Hơn thế, Bắc Kinh được cho là đã trở thành một nhân vật quan trọng trong nỗ lực do Mỹ thúc đẩy nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. 

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia từng nhấn mạnh để đạt được một giải pháp hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đòi hỏi phải thông qua một nghị quyết chính trị thay vì cản trở triển vọng hòa bình bằng các biện pháp trừng phạt và gây sức ép. Ông Nebenzia Nebenzia khẳng định Nga luôn ủng hộ cải thiện các biện pháp xây dựng lòng tin để đạt được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và LHQ cần tăng cường những nỗ lực này.

Tháng 10 vừa qua, Bình Nhưỡng đã gia hạn đến cuối năm cho Washington để đưa ra một thỏa thuận mà hai bên cùng chấp thuận được nhằm thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae-song, nói rằng cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa do Washington thúc đẩy là một "mánh khóe ngớ ngẩn" được sử dụng để ủng hộ tình hình chính trị ở Mỹ, đồng thời cảnh báo về "món quà Giáng sinh” dành cho Mỹ.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Khả năng Triều Tiên phát triển ICBM nếu đàm phán hạt nhân với Mỹ đổ vỡ
Khả năng Triều Tiên phát triển ICBM nếu đàm phán hạt nhân với Mỹ đổ vỡ

Triều Tiên có thể tìm cách phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang theo nhiều đầu đạn vào năm tới, nếu các cuộc hội đàm phi hạt nhân hóa với Mỹ sụp đổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN