Đây là nhận định được Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc (KIDA) đưa ra ngày 16/12 trong một báo cáo về viễn cảnh an ninh năm 2020.
Trong báo cáo này, KIDA nêu rõ: "Nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ, giới chức Triều Tiên có thể sẽ tập trung nỗ lực cho việc phát triển tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm (SLBM) và những tên lửa đạn đạo liên lục địa mang theo nhiều đầu đạn".
Cũng theo báo cáo, để có thể tránh các biện pháp trừng phạt và hành động cứng rắn hơn của Mỹ, Bình Nhưỡng dường như sẽ tập trung phát triển một loại tàu ngầm mới và SLBM mới hay còn gọi là Pukguksong-3 hoặc có thể tiến hành các vụ thử tên lửa tầm xa thông qua việc phóng vệ tinh.
Mặc dù nhiều chuyên gia đã dự đoán về những nỗ lực của Bình Nhưỡng về chế tạo tên lửa mang theo nhiều đầu đạn, song giới chức quốc phòng Hàn Quốc cho đến nay vẫn không chính thức đề cập tới khả năng này. ICBM, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, rất khó để đánh chặn vì chúng tách ra trong không trung để tấn công nhiều mục tiêu.
Lần lượt trong hai ngày 7 và 13/12 vừa qua, Triều Tiên được cho đã tiến hành các vụ thử động cơ cho các tên lửa tầm xa tại trạm phóng vệ tinh Sohae. Những tên lửa này được cho có khả năng được sử dụng để phóng các vệ tinh hay ICBM. Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Triều Tiên không được tiến hành các vụ thử có thể được sử dụng để chế tạo tên lửa đạn đạo.
Đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều Tiên rơi vào bế tắc kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 hồi tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt thỏa thuận. Hai bên đã tiến hành cuộc gặp cấp chuyên viên tại Thụy Điển hồi tháng 10, song không đạt kết quả.
Triều Tiên cáo buộc Mỹ không đem đến bàn đàm phán một đề xuất mới đồng thời đề nghị Mỹ tới cuối năm 2019 phải đưa ra đề xuất mới nếu không quốc gia này sẽ từ bỏ đối thoại và lựa chọn con đường khác. Có nhiều ý kiến quan ngại rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ nối lại hoạt động thử hạt nhân và tên lửa sau thời hạn nói trên.