Hãng tin Interfax của Nga dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Siluanov cho biết mặc dù không muốn Ukraine bị IMF cắt chương trình cứu trợ, song Moskva thực sự lo ngại về các đề xuất thay đổi chính sách mới đây của thể chế này.
Phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Nga được đưa ra một ngày sau khi IMF cho biết đang xem xét cải cách các quy định cho vay. Theo giới phân tích, điều này đồng nghĩa với việc IMF có thể sẽ tiếp tục chương trình cứu trợ khổng lồ cho Kiev.
Trước đó, IMF cảnh báo nếu Ukraine không đạt thỏa thuận với các chủ nợ về cơ cấu lại nợ trước cuối tháng này thì điều đó có thể đe dọa chương trình cho vay 17,5 tỷ USD kéo dài 4 năm mà mà định chế tài chính này nhất trí dành cho Ukraine hồi tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, nhân vật quyền lực thứ hai trong IMF là ông David Lipton ngày 9/6 vừa qua đã phát tín hiệu rằng Kiev vẫn có thể nhận được tiền mà không cần đạt thỏa thuận về cơ cấu lại nợ.
Trước sức ép từ IMF, hồi tháng 8 vừa qua, Ukraine đã đàm phán thành công với các chủ nợ tư nhân để được xóa 3,6 tỷ USD trong số gần 20 tỷ USD nợ nước ngoài. Kiev cũng được hoãn thanh toán 15,5 tỷ nợ còn lại, bao gồm 3 tỷ nợ Nga không được tái cơ cấu, đến năm 2019. Theo thỏa thuận hiện hành với IMF, Kiev phải tiết kiệm hơn 15 tỷ USD trong vòng 4 năm tới, trong đó 5,2 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2015.
Cuộc xung đột ở miền Đông kéo dài hơn một năm qua đã đẩy kinh tế Ukraine vào tình trạng kiệt quệ với giá trị đồng nội tệ xuống thấp kỷ lục, trong khi lãi suất tăng cao nhất trong 15 năm qua. Tổng nợ quốc gia và nợ quốc gia đảm bảo của Ukraine hiện lên tới 70 tỷ USD. Trong quý I/2015, tăng trưởng kinh tế của Ukraine đã giảm tới 17,6% so với cùng kỳ năm trước.