Tuyến đường biển dài hơn 5.600 km này chạy dọc gần như toàn bộ lãnh thổ Nga. Trong vài năm trở lại đây, NSR dần trở thành tuyến thương mại có sức hút với tàu vận tải, do băng tan tại Bắc Cực giúp việc di chuyển của tàu hàng dễ dàng hơn. Không những vậy, NSR còn rút ngắn đáng kể hành trình di chuyển từ Đông Á sang châu Âu so với việc phải đi qua kênh đào Suez.
Năm 2017, lần đầu tiên một tàu chở dầu thương mại vận chuyển mặt hàng khí hóa lỏng đã đi qua NSR mà không cần phải dùng đến tàu phá băng đi kèm.
Hôm 31/3, Phó Thủ tướng Nga Yury Trutnev tiết lộ thông tin, chính phủ có thể giúp giảm chi phí vận tải trên tuyến NSR, sau khi Nga nổi lên là người được hưởng lợi từ sự cố tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez.
“Tôi nghĩ cả thế giới đều cảm thấy rằng sẽ là tốt nếu có một lựa chọn dự phòng. Chỉ có một lựa chọn duy nhất - đó là NSR. Kênh Suez đang đón nhận số tàu hàng ngày một nhiều, nhưng quãng thời gian qua lại kênh cũng dài hơn”, ông Trutnev nói.
Vướng mắc hiện nay nằm ở chi phí giá thành. Vận chuyển hàng hóa qua NSR có chi phí cao hơn 30% so với qua kênh đào Suez. Để giải quyết nút thắt này, Nga cần phải giảm chi phí. Theo Phó Thủ tướng Trutnev, chính phủ cần có một chương trình riêng, gắn với đó là hỗ trợ riêng, có thể dưới hình thức trợ cấp một phần.
Chính ông Trutnev hồi năm 2020 tiết lộ rằng Nga sẽ tiếp tục tăng số lượng tàu phá băng, để giữ NSR có khả năng vận hành quanh năm; đồng thời biến vùng cực Bắc của Nga thành một đặc khu kinh tế, với nhiều ưu đãi về thuế. Ông cũng hy vọng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các dự án phát triển cảng biển dọc bờ biển Bắc Cực.