Nga phản ứng về việc Azerbaijan và Armenia được mời dự hội nghị thượng đỉnh NATO

Bộ Ngoại gia Nga cho rằng phương Tây muốn tách Azerbaijan, Armenia ra khỏi hợp tác với Nga khi mời 2 nước Trung Á này tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Mỹ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) chủ trì cuộc gặp giữa Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (trái) và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan về xung đột ở khu vực Nargony-Karabakh, tại Moskva, ngày 25/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nước phương Tây bằng cách mời Azerbaijan và Armenia tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, muốn khiến những người bạn của Nga rời xa sự hợp tác với nước này. Đây là tuyên bố của Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao Nga Andrei Nastasin ngày 3/7.

Ông Nastasin cho biết Nga phản đối những lời mời của Washington dành cho Baku và Yerevan, nói rằng chúng là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm “truyền bá ảnh hưởng của họ tới tất cả các khu vực trên thế giới” và “ngăn cản bạn bè và láng giềng của chúng tôi khỏi hợp tác với Nga”.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Nastasin nêu rõ: “Điều này làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai nước cộng hòa, không góp phần vào cuộc đối thoại Armenia - Azerbaijan và kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực”.

Theo ông Nastasin, các thỏa thuận Armenia-Azerbaijan do Nga làm trung gian trong giai đoạn 2020-2022 vẫn là "cơ sở thực tế duy nhất để bình thường hóa quan hệ giữa Baku và Yerevan".

Trước đó Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/7 cho biết họ hy vọng sẽ tổ chức các cuộc đàm phán mới giữa Armenia-Azerbaijan bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần tới tại Washington DC.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ James O'Brien cuối tuần trước thông báo rằng ngoại trưởng của Armenia và Azerbaijan đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO cùng với đại diện của các "quốc gia đối tác" NATO khác. Ông O'Brien không cho biết liệu họ có dự kiến ​​gặp nhau ở thủ đô Mỹ hay không.

Vedant Patel, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: “Tôi không nghi ngờ gì rằng đây là điều chúng tôi sẽ tiếp tục hướng tới: Các cuộc họp và cam kết cụ thể bên lề hội nghị thượng đỉnh – tôi chưa muốn nói về lịch trình cụ thể”

Chính phủ Armenia và Azerbaijan cho đến nay vẫn chưa bình luận về khả năng diễn ra các cuộc đàm phán như vậy.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đầu tuần này cho biết ông nhìn thấy "cơ hội đặc biệt" để sớm chấm dứt xung đột Armenia-Azerbaijan thông qua một hiệp ước hòa bình được hai quốc gia Nam Caucasus trên thảo luận. Tuy nhiên, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nhắc lại rằng việc ký kết hiệp ước có điều kiện là Armenia phải thay đổi hiến pháp và các luật khác mà ông cho rằng có chứa các yêu sách lãnh thổ đối với Azerbaijan.

Bộ Ngoại giao Armenia đã bác bỏ điều kiện của ông Aliyev vào tháng trước. Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan một lần nữa cho biết ngày 3/7 rằng thỏa thuận hòa bình có thể được hoàn tất và ký kết sau “một tháng làm việc căng thẳng”.

Mỹ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO từ ngày 9 - 11/7. Hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào việc thiết lập một cấu trúc mới để giúp đỡ Ukraine và xây dựng "cây cầu đến NATO" cho Ukraine. Đại diện của Azerbaijan, Armenia, Gruzia, Israel, các nước Arab và các đối tác của NATO tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được mời tham dự cuộc họp của những người đứng đầu các thành viên NATO.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS/rferl.org)
Thiếu hụt lực lượng lao động ảnh hưởng đến ngành sản xuất vũ khí của Nga
Thiếu hụt lực lượng lao động ảnh hưởng đến ngành sản xuất vũ khí của Nga

Các vấn đề về lực lượng lao động, đặc biệt là trong sản xuất quốc phòng, đã hạn chế tốc độ sản xuất vũ khí và làm suy yếu khả năng duy trì cuộc xung đột của Nga ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN