Đằng sau việc Armenia công nhận nhà nước Palestine và phản ứng của Israel

Đây là thời điểm thử thách đối với quan hệ Armenia - Israel. Hành động của Armenia được đưa ra khi cuộc xung đột ở Gaza vẫn tiếp diễn đã gửi đi những tín hiệu sai đến những bên đang giao chiến.  

Chú thích ảnh
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (trái) khi bổ nhiệm ông Mohammed Mustafa làm Thủ tướng mới, tại Ramallah ngày 14/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần trước, Armenia đã trở thành quốc gia thứ 145 công nhận nhà nước Palestine – ngay cả khi Israel vẫn tiếp tục cuộc chiến khó khăn chống lại Hamas ở Dải Gaza. Năm ngoái, Armenia đã phải chịu thất bại nặng nề trước Azerbaijan, vốn được Israel trang bị vũ khí ở mức độ đáng kể. Vậy có phải hai quốc gia này đang bất hòa dẫn đến động thái mới nhất của Armenia? 

Bình luận với tờ Jerusalem Post ngày 3/7, Grigor Hovhannissian, cựu Đại sứ Armenia tại Mỹ và Thứ trưởng Ngoại giao Armenia cho rằng, sự công nhận này đến sau nhiều thập kỷ thừa nhận tương tự của các nước thuộc khối Xô Viết cũ và khối Warsaw, tất cả các nước láng giềng của Armenia và một số quốc gia thành viên EU. Mặc dù động thái này có vẻ không đúng lúc, đặc biệt là đối với những người từ lâu đã ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Israel, nhưng điều cần thiết là phải hiểu các nguyên tắc cơ bản dẫn đến việc ra quyết định trên của Armenia.

Armenia trở thành quốc gia độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ và nỗ lực phát triển trong một khu vực đầy thách thức. Trong lịch sử, Armenia đã đấu tranh để đảm bảo sự tồn tại cũng như bảo vệ bản sắc riêng biệt của mình. Nghèo về tài nguyên và bị các đối thủ trong khu vực áp đảo về sức mạnh quân sự, Armenia đã dựa rất nhiều vào tính hợp pháp quốc tế - quyền tự quyết và không sử dụng vũ lực trong các tranh chấp như là nền tảng của chính sách đối ngoại của mình.

Tháng 9 năm ngoái, Azerbaijan đã tấn công khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh, chấm dứt chế độ tự quản đã tồn tại kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí của Israel, lực lượng Azerbaijan đã khiến toàn bộ dân số hơn 120.000 người Armenia ở Nagorny-Karabakh phải di tản.

Nhưng điều bi thảm đó thậm chí không phải là lý do khiến Armenia công nhận nhà nước Palestine. Thay vào đó, điều này liên quan đến nghĩa vụ tuyên bố của quốc gia này về các trường hợp tự quyết được quốc tế công nhận, bao gồm Palestine, và có khả năng là Kosovo, Nam Sudan và các trường hợp khác trong tương lai.

Thời điểm Armenia công nhận Palestine đã gây ra tranh cãi cả trong nước và ở Israel. Nhiều người cho rằng hành động này diễn ra khi cuộc xung đột ở Gaza vẫn tiếp diễn đã gửi đi những tín hiệu sai đến những bên đang giao chiến. Nếu đúng như vậy, thì đây là một tác động bên ngoài đáng tiếc mà có thể các nhà hoạch định chính sách của Armenia không lường trước được.

Quyết định của Armenia có thể đã bị ảnh hưởng bởi các thế lực khu vực hùng mạnh, làm nổi bật tính dễ bị tổn thương ngày càng tăng của nước này trước những áp lực từ các nước láng giềng đang trỗi dậy như Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc chiến Armenia - Azerbaijan năm 2020.

Phản ứng ở Israel đặc biệt dữ dội, đặc biệt là từ giới truyền thông và những cảnh báo cứng rắn từ Bộ Ngoại giao Israel về nguy cơ xấu đi trong quan hệ song phương. Phản ứng này trái ngược hẳn với phản ứng trước những sự công nhận tương tự của Tây Ban Nha, Slovenia và Bỉ. Nó đặt ra câu hỏi tại sao sự công nhận của Armenia lại được coi là nghiêm trọng hơn so với 144 quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo ông Hovhannissian, việc Armenia công nhận Palestine phù hợp với các nguyên tắc lâu đời của mình và không nên được coi là bất lợi cho mối quan hệ Armenia-Israel trong tương lai. Thay vào đó, cả hai quốc gia cần tái khẳng định các giá trị chung và cùng nhau hướng tới một tương lai ổn định và thịnh vượng hơn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Jpost.com)
Armenia đảo chiều, khôi phục lại quan hệ với Nga?
Armenia đảo chiều, khôi phục lại quan hệ với Nga?

Liệu có phải chính quyền Armenia đã quyết định giải quyết những vấn đề đang nổi lên trong quan hệ với Nga?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN