Nga 'phản pháo' cáo buộc muốn xâm chiếm hai thành phố cảng của Ukraine

Ngày 2/12, người phát Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, sau tuyên bố của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về việc Moskva có ý định xâm chiếm hai thành phố Berdyansk và Mariupol của nước này, có thể tự tin nói rằng chính Nga đang bảo vệ châu Âu khỏi "hành động man rợ, tàn bạo, khủng bố, xâm lược, chủ nghĩa quân phiệt treo lơ lửng trên lục địa của chúng ta".

Chú thích ảnh
Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine (trong ảnh) với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga ở Eo biển Kerch ngày 25/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trước đó, trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Funke Media Group của Đức, Tổng thống Poroshenko đã cáo buộc Nga có kế hoạch xâm chiếm hai thành phố cảng Berdyansk và Mariupol để có được hành lang trên bộ từ Donbass đến Bán đảo Crimea.

Phản ứng trước thông tin này, bà Zakharova cho biết, chính vì chế độ Kiev đương nhiệm mà đất nước Ukraine hiện nay có đặc điểm nổi bật là sự hoành hành của lực lượng cực đoan, các hiệp hội bị quân sự hóa, chính quyền dựa vào những kẻ côn đồ, tiến hành chiến tranh chống lại nhân dân mình, tuyên truyền và thao túng trở thành nền tảng quản lý xã hội, trong khi các hành động khiêu khích trở thành những khái niệm trong chính sách đối ngoại, tham nhũng không được kiềm chế, chủ nghĩa dân tộc trở thành tư tưởng quốc gia, cưỡng ép các nhân viên đặc nhiệm, thiếu các cơ chế giám sát xã hội, và hậu quả là làm "suy đồi các thể chế quyền lực".

Đây là những tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Nga giữa lúc căng thẳng trong quan hệ với Ukraine đang leo thang. Kiev đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov, bắt đầu từ ngày 28/11, đồng thời ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Nga là nam giới trong độ tuổi từ 16 - 60.

Moskva đã nhiều lần phủ nhận Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine và cũng như một bên xung đột tại Donbass.

Quan hệ Nga và Ukraine căng thẳng kể từ năm 2014 khi Moskva sáp nhập trở lại Crimea và tình hình đã bị đẩy lên nấc thang nghiêm trọng mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải hôm 25/11.

Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua Eo biển Kerch, không để hai tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển này để vào Biển Azov.

Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua Eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moskva phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga.

Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ việc tại Biển Đen là một "sự cố biên giới" và việc Kiev ban bố tình trạng chiến tranh là "một phản ứng thái quá".

Dương Trí (TTXVN)
Toàn cảnh căng thẳng Nga - Ukraine ở Eo biển Kerch
Toàn cảnh căng thẳng Nga - Ukraine ở Eo biển Kerch

Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine trên Biển Đen tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga ngày 25/11/2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN