Tuy nhiên, ông đồng thời nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải có trách nhiệm ngăn Ukraine phát động cuộc chiến.
Phát biểu với hãng tin Sputnik, ông Kosachev nhận định rằng trong tình hình đáng lo ngại hiện nay, EU và NATO phải quyết định liệu họ có xác nhận tuân thủ mục tiêu ban đầu là ngăn chặn các cuộc xung đột ở châu Âu hay không. Hai thể chế này cũng cần phải giải thích rõ ràng với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về việc không được phép phát động một cuộc chiến khác ở châu Âu. Ông nhấn mạnh, về phần mình, Nga sẽ "làm mọi thứ có thể để ngăn chặn xung đột quân sự dưới mọi hình thức".
Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga ngày 25/11. Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Phía Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua Eo biển Kerch, không để hai tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển này để vào Biển Azov. Với sự yểm trợ của máy bay quân sự quần đảo phía trên, tàu cảnh giới của Nga đã đâm vào tàu kéo Ukraine, nổ súng và giữ cả 3 con tàu. Đụng độ khiến ít nhất 3 thủy thủ Ukraine bị thương. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga và đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại một số khu vực biên giới.
Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua Eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moskva phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nêu rõ 3 con tàu của Ukraine đã không phản hồi những yêu cầu hợp pháp của giới chức Nga, xâm phạm biên giới Nga để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng lãnh hải Nga. Phía Nga đánh giá đây là hành động khiêu khích. Quốc phòng Nga thông báo nước này sẽ sớm triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 thế hệ mới trên Bán đảo Crimea.
Vụ việc có nguy cơ dẫn tới xung đột quân sự quy mô lớn này được nhìn nhận không chỉ đơn thuần là căng thẳng trên biển giữa Nga và Ukraine, mà sâu xa hơn là cuộc đối đầu âm ỉ giữa Nga với phương Tây liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea hồi năm 2014.
Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết Nga vẫn xúc tiến công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Argentina.
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva có biết về thông báo của Tổng thống Trump về khả năng hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga. Tuy nhiên, cuộc gặp này đã được nhất trí và công tác chuẩn bị vẫn đang được tiến hành.
Trước đó, ngày 27/11, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post, Tổng thống Trump cho biết ông có thể sẽ hủy cuộc gặp dự kiến với người đồng cấp Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina do vụ đụng độ vừa qua giữa Nga và Ukraine tại Eo biển Kerch. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đang chờ đợi một bản báo cáo đầy đủ về vụ việc này.