Nga phản đối dự thảo nghị quyết mới về Xyri

Ngày 9/3, Nga đã phản đối bản dự thảo nghị quyết mới do Mỹ đề xuất đưa ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng Xyri. Theo Mátxcơva, dự thảo này "không công bằng" vì nó không bao hàm lời kêu gọi cả chính phủ và phe đối lập tại quốc gia Trung Đông này cùng chấm dứt bạo lực.

Hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Gennady Gatilov cho hay Mátxcơva nhận được thông tin rằng HĐBA có ý định đưa dự thảo nghị quyết trên ra bỏ phiếu trong cuộc họp ngày 12/3. Ông Gatilov nhấn mạnh: "Không thể chấp nhận được việc áp đặt thời hạn chót để thông qua một văn kiện nào đó. Thời gian không phải là yếu tố quan trọng nhất. Điều quan trọng là phải tìm kiếm một bản dự thảo thực tế, không mơ hồ và hướng tới một giải pháp bền vững".

Theo các hãng tin nước ngoài, dự thảo nghị quyết mới nói trên "yêu cầu" chính phủ Xyri "ngay lập tức" chấm dứt bạo lực và "kêu gọi" phe đối lập nước này "kiềm chế bạo lực". Ngôn từ dành cho phe đối lập ở Xyri được cho là "nhẹ" hơn nhiều so với dành cho chính quyền. Trước đó, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết hai bản dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ về cuộc khủng hoảng Xyri.

Trong khi đó, những nỗ lực ngoại giao vẫn tiếp diễn. Ngày 9/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Minh sẽ tới Arập Xêút và Ai Cập từ ngày 10 - 14/3, sau đó tới Pháp từ ngày 14-16/3 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Xyri. Dự kiến ông Trương Minh sẽ "trao đổi quan điểm về vấn đề Xyri với giới hữu trách của Liên đoàn Arập (AL) cũng như các quốc gia khác để thúc đẩy một giải pháp công bằng và hợp lý" và sau đó sẽ có các cuộc tham vấn tại Pháp. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào tuyên bố mà Trung Quốc đưa ra cuối tuần qua, trong đó cảnh báo rằng các cường quốc khác không được lợi dụng hoạt động viện trợ nhân đạo cho Xyri để "can thiệp" vào công việc nội bộ của Đamát, đồng thời hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ đoàn kết.

Dự kiến hôm nay (10/3), đặc phái viên của AL và LHQ về Xyri, cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan sẽ tới Xyri để thực hiện sứ mệnh hòa giải của mình. Trước đó, phát biểu tại Cairô (Ai Cập) ngày 8/3, ông Annan cho biết sẽ kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập ở Xyri ngừng xung đột và cùng tìm một giải pháp chính trị thông qua đối thoại. Ông Annan cũng cảnh báo các hoạt động quân sự có thể khiến không chỉ tình hình Xyri xấu thêm và còn ảnh hưởng tới cả khu vực.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 9/3 cho biết, Tôkyô đã siết chặt các biện pháp trừng phạt Xyri bằng cách liệt một số tổ chức và cá nhân vào danh sách bị phong tỏa tài sản do quốc gia Arập này tiếp tục dùng vũ lực đối với dân thường nhằm "góp phần vào các nỗ lực quốc tế giải quyết vấn đề Xyri".

TTG – L.H

Hệ thống phòng không Xyri là mối đe dọa tiềm tàng
Hệ thống phòng không Xyri là mối đe dọa tiềm tàng

Xyri đang sở hữu các hệ thống phòng không đáng sợ do Nga sản xuất, trong đó có tên lửa S-300 hiện đại. Lực lượng phòng không Xyri gồm khoảng 54.000 binh sĩ. Xyri có 2 sư đoàn phòng không được trang bị hàng nghìn pháo cao xạ và hơn 130 trận địa tên lửa đất đối không SAM.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN