Phe đối lập tại Xyri bác bỏ đề nghị đối thoại của Đặc phái viên Kofi Annan

Các lực lượng đối lập tại Xyri ngày 8/3 đã bác bỏ đề nghị đối thoại của Đặc phái viên chung giữa Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL), cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan, đồng thời cho rằng chính Đamát đã hủy hoại triển vọng đạt thỏa thuận qua đàm phán.

Phát biểu tại Cairô (Ai Cập) trước khi tới Xyri ngày 10/3, ông Annan cho biết sẽ kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập ở Xyri ngừng xung đột và cùng tìm một giải pháp chính trị thông qua đối thoại. Tuy nhiên, phản ứng trước lời kêu gọi này, một đại diện của phe đối lập tại Homs, ông Hadi Abdullah tuyên bố: "Phản đối mọi đối thoại trong khi xe tăng vẫn nã pháo vào các thị trấn, tình trạng đổ máu tiếp diễn và nhiều khu vực vẫn bị cắt điện, nước, hệ thống liên lạc". Trước đó, liên minh đối lập chính của Xyri đã nhiều lần bác bỏ khả năng đối thoại khi Tổng thống Assad vẫn còn nắm quyền.

Trong khi đó, một thành viên Ủy ban Cách mạng Xyri đối lập, ông Milad Fadl cho biết xe tăng và binh sĩ của chính phủ đang được triển khai dày đặc quanh huyện Jabal al-Zawiya ở tỉnh Tây Bắc Idlib. Qua loa phóng thanh của các nhà thờ, quân chính phủ đã yêu cầu các thành viên Quân đội Xyri Tự do (FSA) đối lập giao nộp vũ khí. Phần lớn người dân thuộc 8 làng trong khu vực này đã phải sơ tán, trong khi người dân thành phố Idlip cũng đang chuẩn bị sơ tán. Ilíp là tỉnh có tầm quan trọng chiến lược do nơi đây có sự hiện diện rất lớn của các thành viên FSA, đặc biệt là tại huyện Jabal al-Zawiya . 

 Đặc phái viên Kofi Annan. Ảnh: AFP/ TTXVN


Ngày 8/3, tại Giơnevơ, Thụy Sĩ, LHQ đã tổ chức Diễn đàn Nhân đạo Xyri nhằm thảo luận về những thách thức tại Xyri hiện nay và tìm cách hỗ trợ tốt hơn cho người dân Xyri. Tại diễn đàn, Văn phòng Phối hợp Cứu trợ Nhân đạo (OCNA) của LHQ cho biết đã chuẩn bị lương thực dự trữ đủ cho khoảng 1,5 triệu người Xyri. Đây là một phần trong kế hoạch khẩn cấp 90 ngày nhằm hỗ trợ cho những người thiếu lương thực sau gần một năm xảy ra biểu tình gây bạo động ở nước này. LHQ đang chờ kết quả chuyến thăm Xyri ba ngày của Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách điều phối nhân đạo Valerie Amos. Bà Amos đang có mặt ở Xyri và đã tới thăm điểm nóng Baba Amr ở Homs. Bà cho biết khu vực này đã bị phá hủy hoàn toàn và còn rất ít người ở đây.

Cũng tại diễn đàn này, Mỹ cam kết viện trợ thêm khoảng 2 triệu USD cho Xyri, đồng thời kêu gọi Đamát cho phép các nhân viên nhân đạo được tiếp cận những người dân đang cần trợ giúp. Số tiền này sẽ dành để chăm sóc y tế khẩn cấp, cũng như cung cấp các nhu yếu phẩm gồm nước uống, đồ ăn, lều bạt, máy sưởi và các thiết bị vệ sinh... Số tiền trên sẽ nâng tổng viện trợ của Mỹ dành cho Xyri lên hơn 12 triệu USD.

Trong khi đó, quan chức ngoại giao Nga Mikhail Lebedev cho biết Tổng thống Xyri đang phải chiến đấu với "những tên khủng bố" do Al-Qaeda hậu thuẫn, trong đó có 15.000 tay súng nước ngoài sẵn sàng chiếm đóng các thị trấn trên toàn quốc gia Trung Đông này nếu chính phủ rút quân. Phát biểu tại diễn đàn, ông Lebedev cho biết các phiến quân gần đây đã tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng của Xyri, trong đó có cả các trường học và bệnh viện. Ông Lebedev kêu gọi tất cả các bên ở Xyri ngừng bắn, không nên phóng đại tình hình và lập tức tiến hành một cuộc đối thoại chính trị toàn diện.

Cùng ngày, tại Oasinhtơn, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cảnh báo rằng hiện chưa đủ điều kiện để có thể can thiệp quân sự từ bên ngoài như với trường hợp Libi, đồng thời cho biết Mỹ đang cùng với "Những người bạn của Xyri" theo đuổi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuyên bố trên của Nhà Trắng được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đang cân nhắc khả năng cung cấp các hỗ trợ không sát thương cho các nhóm đối lập tại Xyri.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Tuynidi - một nước đồng minh cũ và một nước láng giềng của Xyri - cũng lên tiếng phản đối sự can thiệp của bất cứ nước nào ngoài Arập vào Xyri, song tuyên bố sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Arập tại nước này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hy Lạp Stavros Dimas đã gặp các đại diện của phe đối lập ở Xyri để thảo luận về một kết quả hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài một năm qua ở quốc gia này. Ông Dimas đã hội đàm với các thành viên Uỷ ban Hợp tác Dân tộc về Cải cách Dân chủ (NCCDC), một trong hai nhóm đối lập chính ở Xyri. Sau cuộc gặp, đại diện của NCCDC Haytham Manna cho biết nhóm của ông đã cam kết chuyển tiếp hòa bình sang dân chủ.

Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) cho biết đã thấy các dấu hiệu tích cực từ chính quyền Xyri đối với đề xuất cử một phái đoàn của tổ chức này tới hỗ trợ nhân đạo tại Xyri. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời một quan chức OIC cho biết phái đoàn của OIC đang chờ câu trả lời chính thức của Xyri. Trong khi AL đã đình chỉ quy chế thành viên của Xyri vì bạo lực tại nước này, OIC vẫn duy trì đối thoại với Đamát.

TTXVN/ Tin Tức
Ông Kofi Annan làm Đặc phái viên về Xyri
Ông Kofi Annan làm Đặc phái viên về Xyri

Ngày 23/2, Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập đã bổ nhiệm cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan làm đặc phái viên chung của hai tổ chức này về Xyri trong nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu hiện nay tại quốc gia Trung Đông này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN