Ngày 23/2, Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL) đã bổ nhiệm cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan làm đặc phái viên chung của hai tổ chức này về Xyri trong nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu hiện nay tại quốc gia Trung Đông này. Trong một thông cáo chung, LHQ và AL cho biết Đặc phái viên Kofi Annan sẽ là đại diện cấp cao của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi về cuộc khủng hoảng Xyri. Ông Annan, với sự hỗ trợ của các cộng sự tài năng, có nhiệm vụ thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này. Ông có trách nhiệm tham vấn rộng rãi và thuyết phục tất cả các bên liên quan trong và ngoài Xyri nhằm chấm dứt bạo lực và khủng hoảng nhân đạo, đồng thời tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị toàn diện đáp ứng nguyện vọng của người dân Xyri thông qua một cuộc đối thoại chính trị toàn diện giữa Chính phủ Xyri và phe đối lập. Ngoài ra, LHQ và AL cũng đang chuẩn bị bổ nhiệm một phó đặc phái viên tới từ khu vực Arập.
Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Việc bổ nhiệm ông Annan vào chức vụ này phù hợp với nghị quyết về Xyri được Đại hội đồng LHQ thông qua hôm 16/2 vừa qua.
Ông Annan, 73 tuổi, người Gana, từng giữ cương vị Tổng Thư ký LHQ từ năm 1997-2006. Sau khi mãn nhiệm, ông được mời làm nhà trung gian hòa giải nhằm giải quyết cuộc bạo loạn tại Kênia vào năm 2008.
Liên quan đến hội nghị "Những người bạn Xyri" diễn ra tại Tuynidi hôm nay (24/2), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo Hội đồng Dân tộc Xyri (SNC) là "đại diện đáng tin cậy" của phe đối lập vì vậy họ sẽ có mặt tại hội nghị Tuynít. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định không tham dự vì "cần nghiên cứu thêm mục đích, tác động và cơ chế của hội nghị này". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: "Trung Quốc ủng hộ tất cả các nỗ lực hướng tới giải quyết hòa bình và thích đáng vấn đề Xyri, đồng thời hy vọng phối hợp với các bên liên quan để đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong tiến trình này". Hội nghị Tuynít dự kiến sẽ kêu gọi các lực lượng Xyri ngừng bắn ngay lập tức để cho phép phân phát hàng cứu trợ tới những người dân trong các vùng chiến sự như điểm nóng Homs.
Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẵn sàng tổ chức một hội nghị quốc tế khác về Xyri sau hội nghị ở Tuynít. Theo Ngoại trưởng nước này Ahmet Davutoglu hội nghị thứ hai này có thể diễn ra tại Ixtanbun (Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng địa điểm cụ thể sẽ được quyết định tại Tuynít. Ông Davutoglu cho biết hội nghị do Thổ Nhĩ Kỳ đăng cai sẽ nhằm lên án tình trạng bạo lực đổ máu tại Xyri.
Trong một diễn biến đáng chú ý, Mỹ, Anh, Pháp, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ đang lặng lẽ chuẩn bị can thiệp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng Xyri. Hiện, công tác chuẩn bị cũng đang diễn ra tại một số nước đồng minh khác từng cùng với Mỹ tham gia chiến dịch tại Libi lật đổ chính quyền của cố nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tháng 8/2011.
Tuy nhiên, kịch bản Libi sẽ không lặp lại tại Xyri vì vấp phải lá phiếu phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an LHQ. Do đó, các nước phương Tây đang lên kế hoạch hành động quân sự với phạm vi hạn chế, ngoài tầm của LHQ, có thể là thay mặt "Những người bạn của Xyri". Theo những nguồn tin trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẵn sàng ra quyết định cuối cùng sau khi Lầu Năm Góc đệ trình các kế hoạch hành động để bảo vệ lực lượng nổi dậy Xyri và người dân tại các thành phố bị quân đội Xyri bao vây. Hiện ông Obama đang chờ kết quả của hội nghị ở Tuynít để biết chính xác các nước Arập Xêút, Ai Cập, Cata và UAE có ủng hộ sự can thiệp của phương Tây vào Xyri, cả về chính trị và tài chính, hay không.
Trong khi đó, một ủy ban điều tra của LHQ về cuộc khủng hoảng tại Xyri công bố báo cáo cho biết Chính phủ Xyri "không bảo vệ được dân thường" trong làn sóng biểu tình bạo lực từ tháng 3/2011. Tuy nhiên, báo cáo cũng khẳng định có những bằng chứng cho thấy các tay súng nổi dậy, trong đó có các sĩ quan đào ngũ, đã lạm dụng tình hình rối loạn. Ủy ban khuyến cáo tiến hành đối thoại chính trị toàn diện với sự tham gia của chính phủ và các nhóm đối lập để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong một diễn biến mới nhất tại Xyri, ít nhất 52 người, đa số là dân thường, đã thiệt mạng vì bạo lực tiếp diễn trong ngày 23/2 tại nhiều nơi trên khắp Xyri, trong đó có tỉnh Hama (miền Trung), tỉnh Aleppo (miền Bắc), tỉnh Idlib (Tây Bắc), và thị trấn Daraya (phía Tây Nam thủ đô Đamát). Trong khi đó tại Homs các nhà báo Anh và Pháp bị thương đang kêu gọi trợ giúp. Phóng viên ảnh người Anh Paul Conroy đã phát một thông điệp video cho biết hiện anh đang được an toàn và kêu gọi "các cơ quan chính phủ" trợ giúp. Bộ Ngoại giao Anh cho biết đang tìm cách đưa thi thể của nhà báo Marie Colvin, đồng nghiệp của anh Conroy hồi hương, và đảm bảo an toàn cho anh Conroy. Hai nhà báo người Pháp, trong đó một người bị thương nặng, cũng kêu gọi trợ giúp. Nhà báo Edith Bouvier cho biết cô được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng bệnh viện ở đây không thể tiến hành phẫu thuật.