Ủy ban Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (ICRC) ngày 21/2 kêu gọi các phe phái ở Xyri thực hiện ngừng bắn hai giờ mỗi ngày để tạo điều kiện cho việc phân phát hàng viện trợ nhân đạo cho người dân nước này.
Trong một thông điệp trên báo chí, Chủ tịch ICRC Jakob Kellenberger cho biết: "Tình hình đòi hỏi phải quyết định ngay lập tức thực thi ngừng bắn để hỗ trợ nhân đạo". Theo ông Kellenberger, ICRC đã tiếp xúc với chính quyền Xyri và các thành viên phe đối lập để đề xuất ngừng bắn, theo đó các bên sẽ không nổ súng trong hai giờ đồng hồ mỗi ngày, đủ để các nhân viên ICRC và Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Arập của Xyri phân phát đồ viện trợ và sơ tán người bị thương, bị ốm khỏi khu vực xảy ra chiến sự. Trước đó, từ ngày 11/2, các nhóm hỗ trợ nhân đạo đã tới các thành phố Homs, Bludan, Al Zabadani và Madaya để cung cấp trợ giúp nhân đạo cho người dân.
Xe tăng quân chính phủ án ngữ tại một đường phố ở quận Harasta, gần Damascus ngày 15/2/2012. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Trong phản ứng của mình, người đứng đầu Quân đội Tự do Xyri (FSA), Đại tá Riyadh al-Assad đối lập đã hoan nghênh đề xuất của ICRC.
Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ đề xuất ngừng bắn nhằm phân phát đồ cứu trợ cho người dân, trong khi tạm loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho phe đối lập. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng hiện vẫn cần một giải pháp chính trị cho vấn đề Xyri và không muốn "quân sự hóa" vấn đề Xyri vì việc này có thể đẩy Xyri vào một bước nguy hiểm mới.
Cùng ngày, người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban ki-Moon cho biết TTK đang tìm kiếm một ứng cử viên làm điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Xyri, cũng là người sẽ góp phần tìm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại quốc gia Arập này. Ông Ban ki-Moon đã thảo luận với TTK Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi và nhiều nhân vật khác về việc này.
Trước đó, một nghị quyết về Xyri được Đại hội đồng LHQ thông qua hôm 16/2 kêu gọi chuyển giao quyền lực tại Xyri và nhất trí bổ nhiệm một đặc phái viên của LHQ tới quốc gia đang gặp bất ổn này. Nga, một trong những nước bỏ phiếu chống nghị quyết trên, tuyên bố ủng hộ việc cử một đặc phái viên nhân đạo của LHQ tới Xyri.
Trong diễn biến mới nhất ngày 21/2, 68 người đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa các lực lượng an ninh với các phần tử chống đối tại thành phố Homs và một ngôi làng ở tỉnh Ilíp (Idlip, gần Thổ Nhĩ Kỳ). Theo Ủy ban Điều phối Địa phương (LCC) của phe đối lập, trong số những người thiệt mạng có 10 em nhỏ và 3 phụ nữ. Trong khi đó, tại thủ đô Đamát, đụng độ giữa lực lượng an ninh với người biểu tình đã làm ít nhất 4 người bị thương.
Liên quan đến hội nghị "Những người bạn Xyri" dự kiến diễn ra tại Tuynidi vào ngày 24/2 tới, Mỹ đã kêu gọi Bắc Kinh tham gia hội nghị. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nhấn mạnh rằng hội thảo tại Tuynít sẽ tập trung "hỗ trợ cho nhân dân Xyri" và một đề xuất của AL về một cuộc chuyển giao quyền lực chính trị.
Trước đó, Nga - một trong những nước ủng hộ các kế hoạch cải cách của Tổng thống Xyri Bashar al-Assad - đã khẳng định không tham dự hội nghị này vì không có đại diện của Chính phủ Xyri tham gia, trong khi Trung Quốc chưa cho biết quyết định của mình. Libăng - quốc gia đang cố gắng ngăn chặn nguy cơ bạo loạn ở Xyri lan qua biên giới sang nước mình - cũng cho biết sẽ không tham gia.
Theo các số liệu của LHQ, hơn 6.000 người đã thiệt mạng vì bạo lực trong làn sóng biểu tình phản đối chính phủ ở Xyri gần 1 năm qua.
TTXVN/Tin tức