Theo đài RT, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho biết trên kênh Telegram, nguồn cung khí đốt của Nga sang Italy thông qua Áo đã được nối lại trong ngày 5/10. Việc dừng cung khí đốt đã xảy ra vào cuối tuần sau khi các quy định mới được áp dụng.
Gazprom nói thêm rằng họ đã cố gắng tìm ra giải pháp với bên mua Italy để khởi động lại việc bán khí đốt trong bối cảnh có thay đổi pháp lý ở Áo, dẫn đến Gazprom buộc phải ngừng giao hàng vào ngày 1/10.
"Nhà điều hành Áo đã thông báo sẵn sàng xác nhận các yêu cầu vận chuyển của LLC Gazprom Export, cho phép nối lại nguồn cung cấp khí đốt của Nga thông qua Áo”, tuyên bố của Gazprom cho biết.
Công ty năng lượng khổng lồ Eni SpA của Italy cũng đã xác nhận việc nối lại các dòng khí vào ngày 5/10, cho biết vấn đề đã được giải quyết. Trong khi đó, cùng ngày cơ quan quản lý của Áo là E-Control cho biết một giải pháp đã được tìm ra.
Hôm 1/10, Gazprom thông báo với Eni rằng họ sẽ không thể cung cấp khí đốt cho Italy do "không thể trung chuyển" qua Áo. Công ty Nga giải thích rằng dòng khí đốt đã bị đình chỉ do nhà điều hành Áo từ chối xác nhận "đề nghị vậnchuyển" do những thay đổi quy định đã được áp dụng tại nước này vào cuối tháng 9.
Tranh cãi với các nhà chức trách Áo là vụ việc mới nhất trong một loạt các tranh chấp về quy định và các điều khoản hợp đồng đã buộc Gazprom phải hạn chế cung cấp khí đốt cho khách hàng trên khắp EU, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực.
Sau khi bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, Moskva buộc các quốc gia EU phải thanh toán cho khí đốt tự nhiên nhập của Nga bằng đồng rúp, và ngừng giao hàng cho nước nào từ chối.
Gazprom cũng đã phải giảm lượng khí cung cấp do các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc bảo dưỡng các tuabin trên đường ống dẫn khí Nord Stream 1. Các vấn đề nảy sinh do các lệnh trừng phạt đối với Nga đã ngăn cản việc bảo trì một số thiết bị và việc cung cấp phụ tùng thay thế.
Nord Stream 1 và Nord Stream 2, hiện vẫn chưa ra mắt, hiện đã ngừng hoạt động do sự cố rò rỉ trên cả hai đường ống sau một loạt vụ nổ dưới đáy biển, mà nhiều quốc gia cho rằng đó là do hành động cố ý phá hoại.