Nga lên kế hoạch bí mật, giúp Iran 'lách' lệnh trừng phạt Mỹ

Trước thềm làn sóng trừng phạt mới nhằm vào Iran có hiệu lực trong tháng 11, Moskva và Tehran đã đạt một thỏa thuận ngầm nhằm giúp Iran ngăn chặn được những tổn thất kinh tế với sự trợ giúp từ châu Âu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tại Điện Kremlin ngày 28/3/2017. Ảnh: EPA

Thông tin trên được tiết lộ trong báo Israel Maco đăng ngày 15/10.

Báo Maco trích dẫn một tài liệu mật thu thập từ Bộ Ngoại giao Iran đưa tin Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận ngầm nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt Mỹ nhắm vào thương mại dầu mỏ.

Để né đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ, Iran được cho là sẽ chuyển dầu thô của nước này sang các nhà máy lọc dầu của Nga trên biển Caspi. Sau đó, dầu ở đây sẽ được bán như sản phẩm của Nga và tiền sẽ được hoàn trả lại cho Iran.

Lãnh đạo 3 nước, gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, được cho là đã đạt một thỏa thuận ngầm về phương thức trên trong cuộc họp thượng đỉnh tổ chức hồi đầu tháng 9.

Bên cạnh đó, tài liệu mật lấy từ Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ các đồng minh châu Âu của Washington cũng sẽ “nhắm mắt làm ngơ” cho phép Iran tiếp tục bán dầu cho các quốc gia châu Á. Báo Maco cho rằng với động thái nhượng bộ này, châu Âu hy vọng Tehran tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân. Bộ Ngoại giao Iran hiện từ chối bình luận về thông tin trên.

Tháng trước, các nhà ngoại giao Iran và châu Âu cùng nhau xem xét một cơ chế đổi dầu Iran lấy hàng hóa châu Âu thông qua Nga để “lách” luật trừng phạt của Mỹ. Một số nước nhập khẩu châu Á cũng hành động tương tự. Trong khi một vài nước, cụ thể là Nhật Bản và Hàn Quốc, dưới sức ép của Mỹ đang chuẩn bị ngừng nhập khẩu Iran thì các nước khác như Ấn Độ và Trung Quốc lại lên tiếng bảo vệ thỏa thuận với quốc gia Cộng hòa Hồi giáo và tìm cách lách luật trừng phạt đơn phương từ Mỹ.

Từ hồi tháng 5, Mỹ đã quyết định rút khỏi thỏa thuận có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện được ký năm 2015 và cam kết sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran, với lệnh trừng phạt tài chính được áp dụng từ mùa hè năm nay và trừng phạt năng lượng dự kiến có hiệu lực trong tháng 11 tới. Quyết định bất ngờ của Mỹ đã khiến các nước tham gia ký kết khác, bao gồm Nga, Trung Quốc và châu Âu tìm cách cứu thỏa thuận lịch sử.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tổng thống Trump nói thẳng Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ 2016
Tổng thống Trump nói thẳng Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ 2016

Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ ông tin rằng về vấn đề “can thiệp bầu cử” thì Trung Quốc nguy hiểm hơn Nga rất nhiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN