Nga cần đề ra một kế hoạch mới đối với ngành năng lượng trong bối cảnh phải đối mặt với cấm vận và kỉ nguyên mới của giá năng lượng rẻ.Chốt phiên giao dịch ngày 24/8, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 10 tại thị trường London giảm 6,1%, xuống còn 42,69 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao cùng thời điểm giảm 5,5%, xuống mức 38,24 USD/thùng. Đây là phiên sụt giảm mạnh nhất của giá dầu trong gần hai tháng. Tựu trung lại, giá dầu đã có 8 tuần giảm giá liên tiếp, chuỗi giảm lớn nhất kể từ năm 1986. Nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, là tác nhân chính nhấn chìm giá dầu, lấn át những tín hiệu về sự dư thừa nguồn cung dầu.
Tuy nhiên, giá dầu dò đáy thực sự đã khởi nguồn từ giữa năm 2014, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không cắt giảm sản lượng. Kết cục là đà suy giảm đã kéo dài sang năm 2015. Đây quả thực không phải là một dấu hiệu tích cực đối với các thị trường năng lượng toàn cầu, cũng như các nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu như Nga. “Sự sụp đổ của giá dầu là không lường trước và không có tiền lệ”, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định.
Ngành năng lượng Nga tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Reuters |
Trên thực tế, dầu mỏ đã nhiều lần “đổ gãy” sau thập kỉ 1970, với các mốc khủng hoảng đáng nhớ vào các năm 1986, 1998 và 2008. Tuy nhiên, khác với những lần trước, khủng hoảng đợt này khác với những lần trước do sự tác động của cả cung và cầu. Về cung, các nước ngoài OPEC đã gia tăng đáng kể sản lượng khai thác, làm cho tổ chức này không còn tự quyết định được mức sản lượng điều tiết. Cùng lúc, cầu dầu mỏ ở mức yếu không ngờ. IAE dự đoán giá dầu có thể hồi phục đôi chút, nhưng vẫn sẽ ở mức thấp, còn xa mới đạt tới mức đỉnh trong 3 năm qua.
Giá dầu không phải là vấn đề duy nhất khi đề cập đến những thay đổi trên thị trường năng lượng quốc tế. Giá khí đốt tự nhiên cũng trong đà suy giảm kể từ năm 2008, do nó thường được định giá dựa trên rổ giá dầu, cùng với đó là cuộc cách mạng về khí đá phiến tại Bắc Mỹ.
Những tác động đối với nước NgaNga rõ ràng là nước chịu tác động mạnh nhất, khi mà 50% ngân sách phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt. Mọi việc hiện đã vượt khỏi tầm kiểm soát của Moskva, do cú sốc lần này xuất phát từ các nhân tố bên ngoài.
Xét trên góc độ tổ chức thị trường, đã có sự thay đổi về người chơi chính. Năm 2014, khi xuất hiện những quan ngại về dầu mất giá, đại diện các nước OPEC đã nhóm họp tại Vienna (Áo). Tuy nhiên, tổ chức này đã đi tới quyết định không áp đặt quota về sản lượng khai thác để quyết giữ thị phần, đánh bại những “tay chơi mới”. Điều này đã có hiệu ứng ngược. Nguồn cung dầu từ phi truyền thống có tiềm năng lớn hơn những gì người ta tưởng. Trung Quốc hiện đã có bước chuyển hướng sang khai thác dầu đá phiến. Kế đến, sản lượng khai thác ở mức cao kỉ lục của Mỹ đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
IEA nhận định Nga sẽ là “nạn nhân lớn nhất của giá dầu giảm”. Lý do nằm ở tác động hội tụ đa chiều: Giá thấp đúng thời điểm Nga phải chịu tác động từ các lệnh cấm vận và đồng ruble mất giá. Trong bối cảnh này, Moskva không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc xem xét lại các đề án phát triển đối với các mỏ ngoài khơi, phi truyền thống. Nó được thể hiện qua việc Nga cố gắng giữ thị phần dầu mỏ với việc ký kết các hợp đồng dài hạn, chuyển hướng thị trường, trong đó có kế hoạch hướng Đông.
Để đạt được mục tiêu này, Nga phải đẩy nhanh việc khai thác ở Bắc Cực và Đông Siberia, hoặc là thay đổi cấu trúc ngành dầu mỏ. Cả hai lựa chọn này đều đụng phải thách thức đến từ đòn bao vây, cấm vận của phương Tây: 1/ Hoạt động của ngành năng lượng khựng lại do bị hạn chế tiếp cận với công nghệ, tài chính và tác động này không chừa bất kể một tập đoàn nào, từ Gazprom, Lukoil tới Rosneft; 2/ Các dự án khai thác ở vùng nước sâu như Siberia, Bắc Cực cũng khốn đốn, với việc các đối tác như Total, ExxonMobil đều đã rút khỏi liên doanh với Nga. Vòng xoáy còn chưa dừng lại ở đó. Việc đồng ruble liên tục rớt giá từ cuối năm 2014 đến nay buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải can thiệp bằng bước áp mức lãi suất cao, đẩy gánh nặng về vốn, nợ, làm tăng chi phí tài chính cho các tập đoàn dầu khí.