Dầu mỏ khí đốt lại làm kinh tế Nga thêm khốn đốn

Sau đợt phục hồi nhẹ vào mùa xuân vừa qua, giá dầu tiếp tục đà mất giá, tiềm ẩn đe dọa kinh tế, tài chính nghiêm trọng đối với Nga.

Khủng hoảng vẫn chưa buông tha Nga, khi mà giá dầu thấp cộng với hệ quả cấm vận của Mỹ, phương Tây vẫn gây ra những tác động mạnh về kinh tế. Đối với một quốc gia mà 50% thu ngân sách đến từ dầu mỏ và khí đốt, thì sự đổ dốc bất ngờ của giá dầu từ tháng 6/2015, với việc giá dầu Brent Biển Bắc hiện giao dịch ở ngưỡng dưới 55 USD/thùng, sẽ làm kinh tế Nga lún sâu vào suy thoái.

Đà giảm của giá dầu xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả hành động của Nga. Việc Moskva quyết định hợp tác với phương Tây trong việc thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân Iran – diễn biến góp phần làm giá dầu giảm ngay tại thời điểm trước đàm phán, đã làm cho xu thế này kéo dài đến cả năm tới thay vì chỉ vài tháng. Nga hẳn nhiên đã có những tính toán về bù hoàn lợi ích trong vấn đề Iran.

Nguồn cung dầu mỏ sẽ dư thừa với việc Iran sớm gia nhập thị trường. Ảnh: Shutterstock


Thỏa thuận mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Nga tại thị trường Iran, nhất là về thương mại, đầu tư, với việc các lệnh cấm vận sẽ sớm được dỡ bỏ. Nga sẽ là đối tác mà Tehran ưu tiên hợp tác so với phương Tây, xuất phát từ những yếu tố lịch sử. Quan hệ Iran – phương Tây lắng dịu, Moskva cũng có lý do để buộc Mỹ phải rút lại chương trình phòng thủ tên lửa tại châu Âu – dự án mà trước đây Washington nói rằng cần thiết để đối phó với mối đe dọa Iran, chứ không phải nhằm vào Nga. Cuối cùng, hợp tác với Mỹ và châu Âu trong vấn đề Iran, Moskva cho thấy thiện chí của mình, mà đổi lại phương Tây có thể sẽ giảm sức ép cấm vận nhằm vào Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Thế nhưng trong bối cảnh nguồn cung đang dư thừa như hiện nay, việc Iran tham gia thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể sẽ đẩy giá giảm hơn nữa. Tại thời điểm hiện nay, nếu được tự do hành động, Iran có thể tăng mức xuất khẩu dầu tức thời với 30-40 triệu thùng dầu hiện đang được lưu trữ trên các tàu, kho chứa.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn, khi khí đốt khai thác của Nga giảm. Nhu cầu trong nước yếu và xuất khẩu giảm sút đã làm sản lượng khí đốt của Gazprom giảm tới 19% trong tháng 6 vừa qua so với cùng kì năm ngoái. Tính chung từ đầu năm đến nay, Gazprom chứng kiến mức giảm 12,9%, tương đương với doanh thu 106 tỉ USD, giảm gần 1/3 so với cùng kì năm 2014 (164 tỉ USD). Do Gazprom chiếm đến 10% GDP của Nga nên xu hướng này có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Xung đột ở miền Đông đã đẩy Ukraine tìm kiếm nguồn cung mới, giảm 37% lượng khí đốt mua từ Nga. Châu Âu thì đang trong giai đoạn đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, nguồn năng lượng tái tạo để tránh phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt Nga.

Ý tưởng chuyển hướng sang thị trường phương Đông cũng vấp phải một số khó khăn. Nga và Trung Quốc từng tuyên bố về một loạt các dự án xây dựng các tuyến đường ống "khủng" hồi năm 2004. Tuy nhiên, mới đây Moskva và Bắc Kinh đã phải hoãn vô thời hạn thời điểm triển khai tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia 2”, do nhu cầu khí đốt của Trung Quốc giảm, cộng với việc nước này chuyển sang nhập khẩu các nguồn năng lượng mới như khí hóa lỏng (LNG) từ Australia.

Nhìn về trung hạn, chưa thấy điểm sáng cho Nga. Ngoài yếu tố Iran, nguồn cung thế giới tiếp tục dư thừa, với việc Mỹ nới lỏng các quy định về đầu tư đối với ngành khai thác dầu đá phiến, một động thái làm Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phải dè chừng. Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới có bước chuyển hướng chiến lược: Tăng cường sản lượng khai thác đi kèm với xây dựng các cơ sở lọc dầu để tối đa hóa lợi nhuận, bù đắp vào việc dầu mất giá. Sản lượng dầu của Saudi Arabia trong tháng 6/2015 đã lên mức kỉ lục: 10,564 triệu thùng/ngày.
Hoài Thanh (Theo Oil-price, Vox)
Giá vàng giảm, giá dầu tuột mốc 50 USD/thùng
Giá vàng giảm, giá dầu tuột mốc 50 USD/thùng

Giá vàng thế giới giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất trong 5 năm, trong bối cảnh đồng USD tăng giá và các nhà đầu tư tiếp tục “xa rời” kim loại quý này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN