Iran sẽ tăng sản lượng dầu thô

Ngày 20/7, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh cho biết nước này sẽ tăng đáng kể sản lượng dầu thô sau khi Mỹ và Phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ngành dầu mỏ Iran theo thỏa thuận hạt nhân mới đạt được.

Trong cuộc họp với một phái đoàn doanh nghiệp Đức tại Tehran, ông Zageneh cho biết Iran dự kiến nâng sản lượng dầu thô lên tới gần 4,7 triệu thùng/ngày trong tương lai gần. Ông Zangeneh cũng kêu gọi các công ty Đức tham gia vào các dự án dầu mỏ của Iran sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, đồng thời cam kết hợp tác với các công ty này trong việc tài trợ cho các dự án hóa dầu, lọc dầu, dự trữ dầu, tối ưu hóa năng lượng và năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh. Ảnh: Reuters


Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran khẳng định các công ty Đức có thể tận dụng nguồn nhân lực được đào tạo của Iran để thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại nước này, cũng như dựa vào vị thế của Iran ở khu vực để tiếp cận các thị trường lớn hơn. Ông Zangeneh hy vọng thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm các cường quốc sẽ gỡ bỏ các rào cản về ngân hàng và bảo hiểm đối với các giao dịch kinh doanh giữa Iran và Đức.

Về phần mình, trưởng đoàn doanh nghiệp Đức, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel cho rằng đã đến thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp nước này và Iran mở ra chương mới trong hợp tác kinh tế song phương. Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ cùng với Đức) sẽ có tác động tích cực đối với quan hệ song phương Đức - Iran.

Trong khi đó, tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 20/7 đưa ra nhận định rằng việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ cấm vận có thể giúp Iran gia tăng nhanh chóng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu ra thị trường toàn cầu, khiến áp lực về tài chính ngày càng tăng đối với các nước xuất khẩu khác khi giá dầu có xu hướng giảm.

Tờ báo nhận định rằng khi lệnh cấm vận, trừng phạt của Phương Tây được dỡ bỏ, sản lượng khai thác dầu của Iran có thể đạt mức 1 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ 1-2 năm tới. Việc Iran tăng nguồn cung ra thị trường sẽ khiến giá dầu giảm nhanh chóng, ảnh hưởng tiêu cực đến những nước xuất khẩu nhưng không có tiềm lực tài chính mạnh như Nga, Venezuela, Nigeria, Bahrain và Oman.

Bên cạnh đó, thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P5+1 còn cho phép Iran tiếp cận khối lượng tài sản trị giá 150 tỷ USD trước đây bị đóng băng, và cả hệ thống tài chính toàn cầu. Vì vậy, đến năm 2017, sản lượng khai thác dầu của Iran có thể đạt mức 4 triệu thùng/ngày.

Ngay tại thời điểm hiện nay, Iran có thể tung ra thị trường toàn cầu khoảng 30 triệu thùng trong kho dự trữ, đẩy giá dầu "lao dốc" nếu mức cầu không tăng đột biến. Khi Iran đẩy mạnh sản lượng khai thác và xuất khẩu, giá dầu khó có thể đạt được mức tăng 5 USD/thùng trong năm 2016 như dự báo của hãng xếp hạng tín dụng Moody's.

* Nghị sỹ Mỹ hối thúc Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân Iran

Hội đồng bảo an LHQ thông qua Nghị quyết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran ngày 20/7. Ảnh: AFP/TTXVN


Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 20/7 đã gửi một bức thư tới các đồng nghiệp trong Quốc hội bày tỏ ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi đó, phe Cộng hòa tại Quốc hội lên tiếng chỉ trích việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận này.

Trong thông điệp của mình, bà Pelosi tin tưởng rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran là một "thành tựu lớn" đồng thời bày tỏ vui mừng trước những phản ứng tích cực từ phía Dân chủ cho tới thời điểm hiện tại. Theo nữ chính khách này, trong tuần trước đã có 100 cựu đại sứ Mỹ, từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, lên tiếng ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran và mới đây nhất, cùng ngày 20/7, 60 chuyên gia an ninh quốc gia cũng đã ra một văn bản ủng hộ.

Trong khi đó, phản ứng với việc HĐBA LHQ trước đó cùng ngày đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc thế giới, phe Cộng hòa tuyên bố đây là một sự "xúc phạm" khi HĐBA tiến hành bỏ phiếu trước khi Quốc hội nước này kết thúc quá trình đánh giá.

Tại Iran, phát biểu với hãng thông tấn Tasnim, người đứng đầu lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Mohammed Ali Jafari cho rằng một số phần của nghị quyết đi quá "giới hạn đỏ", đặc biệt là can thiệp vào các chiến dịch quân sự của Iran. Dù vậy cũng có nhiều tiếng nói ủng hộ nghị quyết này. Seyed Abbas Araghchi, quan chức tham gia đàm phán hạt nhân Iran đã bác bỏ các chỉ trích và cho rằng nghị quyết của H ĐBA là "thành công chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Iran".

Quốc hội Mỹ đã tiếp nhận văn bản thỏa thuận hạt nhân Iran trong ngày 19/7 và sẽ có 60 ngày tính từ ngày 20/7 để thông qua thỏa thuận này. Phe Cộng hòa hiện chiếm đa số tại cả hai viện Quốc hội, song nếu quyết định bác bỏ thỏa thuận Iran, họ sẽ cần tới hàng chục lá phiếu ủng hộ từ phe Dân chủ để có thể "vô hiệu hóa" quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 20/7, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố giờ khi đã giải quyết xong hồ sơ Iran, liên minh này sẽ thăm dò khả năng thiết lập một thể thức quốc tế mới nhằm tiếp sức cho tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine hiện đang bị đình trệ.

Phát biểu sau hội nghị của 28 ngoại trưởng EU tại Brussels (Bỉ), Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết bà mong muốn xúc tiến ý tưởng về một “nhóm hỗ trợ quốc tế” và sẽ quay trở lại đề tài này sau khi trao đổi với các bên ở khu vực. Theo bà, sự thành công của tiến trình đàm phán hạt nhân Iran sau một thời gian dài bế tắc đã cho thấy những vấn đề gai góc nhất cũng có thể được giải quyết thông qua con đường ngoại giao.

TTXVN/Tin Tức
Hội đồng Bảo an ra nghị quyết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran
Hội đồng Bảo an ra nghị quyết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết dọn đường cho việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào nền kinh tế Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN