Ngày 20/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua một nghị quyết dọn đường cho việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào nền kinh tế Iran, song cảnh báo vẫn có thể áp đặt lại các lệnh trừng phạt trong vòng một thập niên tới nếu Tehran vi phạm thỏa thuận lịch sử vừa đạt được với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức). Động thái này đánh dấu việc LHQ đã chính thức ủng hộ thỏa thuận hạt nhân đạt được tại thủ đô Vienna của Áo hồi tuần trước giữa Tehran và các cường quốc thế giới.
Trong một tuyên bố, Đại sứ New Zealand Gerard van Bohemen - nước hiện giữ cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA- thông báo cơ quan gồm 15 thành viên đã nhất trí thông qua nghị quyết mở đường cho việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế đang gây tổn hại nền kinh tế Iran.
HĐBA LHQ bỏ phiếu về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna ngày 20/7. Ảnh: Reuters |
Một khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, 7 nghị quyết của LHQ về trừng phạt Iran được thông qua từ năm 2006 cũng sẽ dần dần bị hủy bỏ với điều kiện Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân cũng như cam kết không phát triển bom hạt nhân. Nghị quyết này cũng kêu gọi thực hiện đầy đủ thỏa thuận mới đạt được theo khung thời gian đồng thời hối thúc các nước thành viên LHQ thúc đẩy tiến trình. Ngoài ra, văn kiện này cũng chỉ định Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) chịu trách nhiệm giám sát và xác minh những cam kết hạt nhân của Iran.
Trước đó, sau 11 năm đàm phán gian truân và 18 ngày thương lượng nước rút căng thẳng tại thủ đô Vienna (Áo), ngày 14/7, Iran và nhóm P5+1 đã đạt một thỏa thuận "lịch sử", theo đó nhất trí dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), LHQ áp đặt lên nhà nước Hồi giáo, đổi lại Tehran chấp nhận hạn chế chương trình phát triển hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm mục đích chế tạo bom.
Theo thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa Iran và các cường quốc, Iran sẽ cho phép việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là cho phép các thanh sát viên Liên hợp quốc tới giám sát các cơ sở quân sự. Lệnh trừng phạt có thể khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận đã được thống nhất với 6 cường quốc thế giới, bên cạnh đó lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc tiếp tục duy trì trong 5 năm và lệnh cấm Iran mua công nghệ đạn đạo sẽ duy trì trong 8 năm nữa. Thỏa thuận giữa Iran và P5+1 sẽ chính thức có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi HĐBA LHQ thông qua nghị quyết chấp thuận thỏa thuận này.