Nga vừa đưa ra một đề xuất khiến Mỹ phải giật mình: Liên minh châu Âu (EU) nên chấm dứt theo đuổi Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và chuyển sang mô hình hợp tác với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) với Nga là đầu tàu.Mới đây, phát biểu với tờ EU Observer, Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov bày tỏ: Đã đến lúc cần phải chính thức khởi động các cuộc tiếp xúc giữa EU và EAEU, một ý tưởng từng được Thủ tướng Đức Angela Merkel đề cập. Theo ông, các lệnh cấm vận của EU nhằm vào Nga không phải là rào cản cho tiến trình kết nối này.
“Tôi nghĩ rằng theo lẽ thường tình chúng ta nên khai phá khả năng thành lập một không gian kinh tế chung ở khu vực Á-Âu, trong đó tập trung vào những nước thuộc Đối tác Đông Âu (sáng kiến của EU nhằm tăng cường hợp tác với Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Moldova và Ukraine). Chúng ta có thể tính đến một khu vực tự do thương mại bao gồm tất cả các bên có mong muốn tham gia ở Á-Âu”, Đại sứ Nga phát biểu.
Lãnh đạo các nước Nga, Kazakhstan, Belarus nhóm họp tại Astana, Kazakhstan. Ảnh: Kremlin.ru |
Đáng chú ý, ông Chizhov nói rằng lợi ích mà EU thu được từ hợp tác với EAEU do Nga đứng đầu sẽ lớn hơn nhiều so với Mỹ. “Liệu có khôn ngoan không khi dành quá nhiều nguồn lực chính trị cho khu vực tự do thương mại với Mỹ trong khi các bạn có sẵn những đối tác tự nhiên ngay kề bên?”, Đại sứ Chizhov đặt vấn đề. Ông cũng đề cập đến tính bất ổn của quan hệ Mỹ - EU trong lịch sử, khi nói rằng: “Hãy nhìn tỉ giá giữa đồng USD và đồng euro. Các bạn có nhớ đồng bạc xanh đã bao nhiêu lần bị phá giá kể từ thập kỉ 1960 đến nay? Các bạn có nhớ rằng chính cựu Tổng thống Pháp Charles De Gaulle đã từng phái cả một tàu chở đầy USD sang Mỹ để đổi sang vàng? Và rồi phản ứng của Washington ra sao?”…
EAEU chính thức bắt đầu có hiệu lực từ hôm 1/1 vừa qua, với sự tham gia của Belarus, Kazakhstan và Nga. Kyrgyzstan sẽ là nước kế tiếp gia nhập vào tháng 5 năm nay. Đây là một tổ chức theo mô hình của EU, với cơ quan điều hành là Ủy ban kinh tế Á-Âu, cùng với đó là thiết chế chính trị Hội đồng kinh tế tối cao Á-Âu đều đặt trụ sở ở Moskva. EAEU cho phép tự do dịch chuyển lao động, hình thành thị trường chung về xây dựng, bán lẻ, du lịch. Trong 10 năm tới, liên minh này hướng đến việc thành lập Tòa án ở Minsk (Belarus), một cơ quan điều hành tiền tệ ở Astana (Kazakhstan); tạo lập thị trường tự do về vốn, hàng hóa, dịch vụ.
Đề cập đến căng thẳng hiện nay giữa Nga với EU liên quan đến vấn đề Ukraine, ông Chizhov khẳng định: Các lệnh cấm vận, sự tụt dốc của giá dầu, đồng ruble mất giá… đều không thể cản đà phát triển của EAEU. Nga có đủ sự thông thái để xây dựng các nguồn lực dự trữ quan trọng, chống lại được mọi sức ép từ bên ngoài.
Phát biểu của Đại sứ Chizhov được đưa ra trong bối cảnh EU bắt đầu cảm nhận được “trái đắng” từ việc áp đặt trừng phạt kinh tế chống Nga. Ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói thừa nhận thực tế này. Mới nhất là cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cựu Thủ tướng Italy Romano Prodi khi ông nói rằng “một nước Nga với nền kinh tế yếu kém thực sự chẳng đem lại cho Italy một lợi ích nào”.
Hoài Thanh (
Theo Euobserver)