Tuyên bố trên được Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đưa ra ngày 9/12 nhằm đáp trả thông báo của Mỹ trước đó, cho rằng INF đang bị đe dọa do hoạt động của tên lửa hành trình Nga.
Theo ông Ryabkov, Washington không tìm được thời điểm nào tốt hơn là dịp kỷ niệm 30 năm ngày ký hiệp ước trên để đưa ra lời đe dọa nhằm vào đối tác trong một thỏa thuận từng được coi là "hòn đá tảng" trong tiến trình hạn chế và cắt giảm vũ khí hạt nhân. Ông nêu rõ ý đồ của Mỹ đe dọa trừng phạt Nga liên quan tới những "vi phạm nào đó" hiệp ước INF, thực sự là lố bịch.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hành động của Mỹ có thể cản trở cuộc họp của Ủy ban kiểm soát đặc biệt (JCC), vốn được thành lập năm 1987 nhằm giám sát việc thực hiện hiệp ước trên giữa Nga và Mỹ, dự kiến diễn ra trong thời gian tới. Nhà ngoại giao Nga cũng nêu rõ đã tới lúc các chính trị gia và quan chức Mỹ cần hiểu rằng không thể gây áp lực về kinh tế và quân sự với Nga.
Trong một tuyên bố ngày 8/12, kỷ niệm 30 năm Hiệp ước INF, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay giới chức nước này đang xem xét những lựa chọn về các hệ thống tên lửa tầm trung được phóng từ mặt đất, những thiết bị sẽ giúp Mỹ có khả năng tự bảo vệ mình và các đồng minh nếu Nga không thực hiện đúng hiệp ước trên.
Phía Mỹ cho rằng Nga vi phạm INF sau khi tiến hành vụ thử tên lửa hồi tháng 7/2014, trong khi Nga nhiều lần bác bỏ. Ngược lại, Moskva cũng cáo buộc Mỹ vi phạm INF, sau khi Washington cho bố trí các hệ thống phóng tên lửa hành trình theo phương thẳng đứng Mk-41 tại Đông Âu. Nga cho rằng việc Mỹ triển khai các hệ thống phóng tên lửa MK-41 là vi phạm INF, vì nó có thể được sử dụng để phóng các tên lửa đánh chặn SM-3 và cả tên lửa hành trình tầm trung Tomahawk
INF được Liên Xô trước đây và Mỹ ký ngày 8/12/1987, có hiệu lực từ ngày 1/6/1988, quy định cấm sản xuất và triển khai các loại tên lửa tầm ngắn (từ 500 đến 1.000 km) và tầm trung (từ 1.000 đến 5.500 km) đặt trên mặt đất. Tổng cộng khi đó Liên Xô đã thủ tiêu 1.846 tên lửa trong khi Mỹ thủ tiêu 846 tên lửa.