Phát biểu tại phiên họp của Ban giám đốc IAEA, ông Ulyanov nói: "Xét tới thực tế Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa, việc ủng hộ các nỗ lực này là điều hợp lý. Các đối tác của chúng tôi cần ghi nhớ rằng đàm phán là con đường hai chiều, và các bước đi của Bình Nhưỡng trên lộ trình giải giáp cần được đáp ứng bởi các bước đi tương tự nhằm nới lỏng sức ép trừng phạt phù hợp với Điều khoản 32 của Nghị quyết 2375.
Việc đưa ra các đảm bảo an ninh là điều ngày càng quan trọng. Các cơ chế an ninh quốc tế đáng tin cậy đóng vai trò quan trọng trong khu vực nhằm ngăn chặn sự tái diễn của tình trạng vốn xảy ra liên quan tới Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA, tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân của Iran)".
Ông Ulyanov còn khẳng định Nga sẵn sàng đào tạo các chuyên gia IAEA tại các cơ sở hạt nhân của nước này để thực hiện công tác giám sát Triều Tiên. Quan chức này nhấn mạnh chỉ có các chuyên gia từ 5 cường quốc hạt nhân mới có khả năng ứng phó với các vấn đề liên quan tới xóa bỏ năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Ông chia sẻ: "IAEA sắp thực hiện các nhiệm vụ quy mô lớn để đảm bảo việc kiểm soát toàn bộ nguyên liệu bên ngoài khuôn khổ chương trình chiến tranh hạt nhân, xác minh các nguyên liệu này không được sử dụng với mục đích quân sự cũng như giám sát các dấu hiệu tiềm tàng của những hoạt động hạt nhân ngầm".
Theo ông Ulyanov, Nga sẵn sàng "hợp tác chặt chẽ với tất cả các nước liên quan nhằm mục đích đảm bảo hòa bình, ổn định và đưa ra giải pháp toàn diện cho vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên.
Hôm 22/11 vừa qua, IAEA bày tỏ nghi ngờ Triều Tiên dường như vẫn mở rộng các hoạt động tại cơ sở hạt nhân chính của nước này.
Trong một báo cáo gửi Ban giám đốc IAEA về tình hình từ tháng 8/2018 đến nay, Tổng giám đốc Yukiya Amano nêu rõ Triều Tiên dường như đã đưa các thiết bị vào một lò phản ứng nước nhẹ đang được xây dựng tại cơ sở hạt nhân chính Yongbyon, nơi được nhiều người cho là cung cấp vật liệu phân hạch để sản xuất bom hạt nhân. Theo ông Amano, tại lò phản ứng nước nhẹ này, IAEA cũng đã quan sát thấy những hoạt động phù hợp với việc sản xuất các thiết bị của lò phản ứng và có thể chuyển những thiết bị này vào khu nhà chứa lò phản ứng này.
IAEA vẫn chưa tiếp cận được Triều Tiên từ năm 2009 và những hoạt động giám sát chủ yếu ở đây đều thông qua hình ảnh vệ tinh.