Ẩn ý sau màn thử nghiệm ‘vũ khí chiến thuật siêu hiện đại’ của Triều Tiên

Giới phân tích cho rằng cuộc thử nghiệm “tên lửa chiến thuật siêu hiện đại” của Triều Tiên thể hiện rõ mong muốn nâng cấp vũ khí truyền thống và khẳng định sức mạnh quân đội quốc gia trong bối cảnh các cuộc đàm phán chấm dứt chương trình hạt nhân đang diễn ra.

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát vũ khí mới. Ảnh: Reuters

Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 16/11 đã thị sát cuộc thử nghiệm vũ khí chiến thuật mới tại một địa điểm trực thuộc Viện Khoa học Quốc phòng.

Triều Tiên xác nhận vũ khí công nghệ cao của nước này được khởi động từ thời kỳ của cố lãnh đạo Kim Jong-il và mất tới 7 năm để hoàn thiện. Chi tiết về sức mạnh của loại vũ khí này vẫn chưa được công bố. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trích một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết vũ khí mới được thử nghiệm là một mô hình mới của pháo phản lực MLRS và có thể là một tên lửa tầm ngắn.

Đây là buổi thị sát vũ khí đầu tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong năm nay và có thể khiến các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ trở nên phức tạp, mặc dù cả Washington và Seoul đều phủ nhận việc phát triển vũ khí này ảnh hưởng tới các cuộc đối thoại.

Hãng tin Reuters dẫn lời giới chuyên gia nhận định cuộc thử nghiệm loại vũ khí mới là một phần trong sáng kiến của nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn chuyển sức mạnh quân sự truyền thống sang vũ khí công nghệ cao.

“Đây giống như một hoạt động cải tổ quân đội. Nếu như có thông điệp gửi đến thế giới, thì nó sẽ là ‘Đừng đánh giá thấp lực lượng quân đội đang được hiện đại hóa của Triều Tiên’,” ông Choi Kang, phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách Asan tại Seoul, nhận xét.

Vũ khí hiện đại mới có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn nếu như quốc gia này phải từ bỏ một phần kho vũ khí hạt nhân theo cam kết.

Trong khi đó, Kim Dong-yub - một chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Đại học Kyungnam ở Seoul – lại cho rằng bằng cách công khai thử nghiệm vũ khí hiện đại, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang tìm cách trấn an các tướng lĩnh quân sự và công chúng khỏi lo lắng về một tương lai đất nước không có khả năng răn đe hạt nhân.

“Với tuyên bố công khai ưu tiên phát triển kinh tế và Triều Tiên sẽ phi hạt nhân, nhiều thành viên trong quân đội có thể sẽ lo lắng. Việc thử nghiệm vũ khí mới là cần thiết để tạo lòng tin cho người dân trong nước, mặc dù có thể điều này khiến dư luận thế giới đón nhận như một tín hiệu tiêu cực”, chuyên gia Kim nhận xét.

Theo số liệu thống kế năm 2016 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hiện quân đội Triều Tiên sở hữu gần 5.500 pháo phản lực MLRS, 4.300 xe tăng, 2.500 phương tiện bọc thép, 810 máy bay chiến đấu, 430 tàu chiến và 70 tàu ngầm. Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết tuần trước CSIS xác định ít nhất 13 căn cứ tên lửa chưa được công khai. CSIS tiết lộ Triều Tiên còn đang phát triển tàu đổ bộ đệm khí cho lực lượng đặc nhiệm với quân số lên đến 200.000 người như một phần trong chương trình hiện đại hóa quân đội.

Trước đó, trong hội nghị thượng đỉnh tháng 9 tổ chức ở Bình Nhưỡng, hai miền Triều Tiên nhất trí giảm căng thẳng quân sự dọc biên giới và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng khẳng định Triều Tiên đã bắt đầu tháo dỡ hệ thống pháo binh triển khai dọc theo bờ biển phía tây. Nhưng thỏa thuận tháng 9 không bao gồm việc loại bỏ pháo MLRS đang bố trí ở biên giới và có thể bắn tới thủ đô Seoul.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Cảnh sát, binh lính Papua New Guinea tấn công Quốc hội đòi tiền phục vụ APEC
Cảnh sát, binh lính Papua New Guinea tấn công Quốc hội đòi tiền phục vụ APEC

Hàng trăm binh lính và sĩ quan cảnh sát đã xông vào tòa nhà quốc hội Papua New Guinea đập phá sau khi nghe tin rằng họ có thể không được trả tiền phục vụ cho hội nghị cấp cao APEC vừa kết thúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN