Ngày 9/12, phát biểu trên kênh truyền hình "Vesti-24", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Nga đã cảnh báo Ixraen không được mở bất cứ cuộc tấn công xâm lược nào chống Iran.
Thứ trưởng Ryabkov cho biết trong cuộc hội đàm mới đây với Ngoại trưởng Ixraen Avigdor Liberman, ông đã giải thích lập trường của Nga về tầm quan trọng của việc tìm giải pháp hoà bình cho vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và đã chuyển lời cảnh báo trên cho phía Ixraen. Ông khẳng định Mátxcơva có những bằng chứng xác nhận chương trình hạt nhân của Têhêran không nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân cũng như nhằm một mục đích quân sự nào khác.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Nguồn Internet. |
Quan chức ngoại giao này nhấn mạnh thêm Nga sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm tiếp xúc với tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Iran.
Ngày 9/12, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey khẳng định rằng chính sách của Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt và ngoại giao như hiện nay đối với Iran là đúng đắn để đối phó với chương trình hạt nhân của Iran và Mỹ sẽ làm mọi điều có thể để đạt được mục tiêu mà không cần sử dụng đến sức mạnh quân sự.
Theo giới quan sát, mặc dù chính quyền Mỹ tỏ ra dè dặt về khả năng tấn công trên quy mô lớn nhằm vào Iran, nhưng một loạt sự kiện gần đây như các vụ nổ tại các căn cứ quân sự Iran và việc Mỹ mất một máy bay không người lái khi bay qua Iran cho thấy khả năng Mỹ và Ixraen đang thực hiện nhiều hoạt động bí mật, trong đó có tấn công vào các căn cứ riêng lẻ, chiến tranh mạng, ám sát các nhà khoa học Iran, do thám để phát hiện bất cứ cơ sở hạt nhân bí mật nào.
Tuần tới, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về việc áp đặt những biện pháp trừng phạt mới nhằm buộc Iran ngừng cái mà phương Tây coi là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Theo đó, các quốc gia và công ty, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Iran, cung cấp xăng dầu cho nước này hay giúp Têhêran phát triển vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh hóa, vũ khí hiện đại...sẽ bị trừng phạt. Một biện pháp khác sẽ nhằm vào các quốc gia, các công ty, tổ chức giúp Iran, Triều Tiên, Xyri thúc đẩy tham vọng đạt được vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh hóa hay phát triển các chương trình tên lửa của họ. Phạm vi trừng phạt của Mỹ bao gồm phong tỏa tài sản ở Mỹ của cá nhân hay công ty, cấm du lịch đến Mỹ, không được tiếp cận các hợp đồng của Chính phủ Mỹ, hạn chế tiếp cận các khoản vay từ những ngân hàng Mỹ hay từ những thể chể tài chính như Ngân hàng Xuất nhập khẩu...
Hai dự luật trên được đưa ra trong bối cảnh chính giới Mỹ đang bày tỏ lo ngại rằng không còn nhiều thời gian trước khi Iran sở hữu được một vũ khí nguyên tử dù Têhêran luôn phủ nhận tham vọng này.
Trong động thái liên quan, ngày 9/12, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết Tôkiô đã thông qua quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung chống Iran. Theo quyết định này, các tài khoản của 106 tổ chức và một cá nhân của Iran bị phong tỏa. Ngoài ra, Nhật Bản cấm thực hiện nghiệp vụ tài chính giữa các ngân hàng Nhật Bản và ba ngân hàng của Iran. Như vậy, tính tới nay đã có tổng cộng 20 ngân hàng Iran bị trừng phạt. Theo Ngoại trưởng Gemba, Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp các hành động chống Iran với cộng đồng quốc tế.
Trong một diễn biến khác, theo Đài tiếng nói nước Nga, ngày 11/12, Ủy ban an ninh và chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran sẽ xem xét vấn đề bồi thường cho Anh về vụ tấn công Đại sứ quán nước này ở Têhêran.
Đài trên dẫn nguồn tin của hãng EFE nói rằng ủy ban này sẽ quyết định liệu yêu cầu của Luân Đôn đòi Iran bồi thường thiệt hại vật chất trị giá hơn 1 triệu bảng Anh có cơ sở hay không. Cuối tháng 11 vừa qua, người biểu tình Iran đã tấn công Đại sứ quán và một cơ sở ngoại giao của Anh ở Têhêran. Ngay sau đó, Luân Đôn yêu cầu Têhêran bồi thường các tổn thất do các cuộc tấn công này gây ra.
TTXVN/Tin Tức