Số ca nhiễm mới tại Nga bắt đầu tăng nhanh trở lại từ giữa tháng này. Theo nhà chức trách, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự xuất hiện của biến thể Delta, được cho là có tỷ lệ lây lan nhanh hơn và tỷ lệ người dân tiêm chủng còn thấp. Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết biến thể Delta chiếm hơn 90% số ca nhiễm mới ở thành phố này.
Trước thực trạng trên, chính quyền thủ đô Moskva đã yêu cầu các quán bar và nhà hàng chỉ phục vụ những khách có mã QR cho thấy đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, đã từng mắc bệnh (có miễn dịch) hoặc xét nghiệm gần đây cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Những người chưa được tiêm ngừa sẽ không được khám, chữa bệnh thông thường, trừ trường hợp cấp cứu. Tuần trước, chính quyền thủ đô Moskva cũng yêu cầu các cơ quan, công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công phải đảm bảo việc 60% lao động được tiêm vaccine, nếu không sẽ bị phạt.
Tính đến nay, chỉ 20,7 triệu người trong tổng số 146 triệu người dân nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19. Với 131.463 ca tử vong trong tổng số hơn 5,38 triệu ca mắc, hiện Nga là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực châu Âu.
Cùng ngày, Indonesia thông báo đã có thêm 20.574 ca mới, mức cao nhất từ trước đến nay và 355 ca tử vong. Hiện Indonesia là nước có số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, với 2.053.995 ca nhiễm, trong đó có 55.949 ca không qua khỏi.
Cũng trong ngày 24/6, Philippines ghi nhận thêm 6.043 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.378.260 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này cũng vượt mốc 24.000 lên 24.036 ca, sau khi ghi nhận thêm 108 ca tử vong. Hiện Philippines đã tiêm được 8,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, chủ yếu cho các nhân viên y tế tuyến đầu, người già và những người có bệnh lý nền.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Chính phủ Malaysia đã quyết định tăng khoản trợ cấp cho các tình nguyện viên phục vụ Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 (NIP) của nước này.
Phát biểu trước báo giới sau khi đến thăm một trung tâm tiêm chủng cho người khuyết tật ngày 24/6 tại thủ đô Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết khoản trợ cấp này là sự ghi nhận của chính phủ dành cho những đóng góp của tình nguyện viên trong đó có 100 tình nguyện viên đang hỗ trợ cho NIP được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Tính đến ngày 20/6, đã có hơn 800.000 người khuyết tật đăng ký tiêm chủng.
Tại cuộc họp báo, ông Yassin tái khẳng định Malaysia không phải là quốc gia duy nhất hiện đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn cung vaccine. Mặc dù vậy, Malaysia đã nhận được khoảng 50% số vaccine đã ký hợp đồng mua và triển khai năng lực tiêm chủng với khoảng 200.000 người được tiêm mỗi ngày. Thủ tướng Malaysia cũng khẳng định sẽ có đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.