Nga được thuê hải cảng lớn nhất của Syria

Quốc hội Syria đã thông qua dự luật trao quyền quản lý cảng Tartus lớn nhất nước này cho công ty Stroytransgaz của Nga với thời hạn 49 năm.

Chú thích ảnh
Tàu sân bay Kuznetsov của Nga neo tại cảng Tartus của Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) ngày 12/6 cho biết dự luật mới được Quốc hội phê chuẩn này vẫn cần sự phê chuẩn của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Thỏa thuận giữa Damascus và công ty Stroytransgaz về quản lý, mở rộng và vận hành cảng Tartus đã được ký kết cuối tháng 4 vừa qua. Đây là một trong nhiều hợp đồng lớn giữa Damascus và Moskva trong bối cảnh Nga - một đồng minh quan trọng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad - đã duy trì một căn cứ hải quân tại cảng Tartus.

Theo thỏa thuận, một ban giám đốc sẽ được thành lập để giám sát quá trình quản lý và vận hành cảng Tartus, trong đó 6 giám đốc sẽ được chia đều giữa Damascus và Stroytransgaz, song quyền lãnh đạo sẽ thuộc về phía công ty của Nga. Bên cạnh đó, công ty Stroytransgaz cũng được miễn đóng phí hải quan và thuế nhập khẩu trong giai đoạn cảng Tartus được mở rộng, dự kiến sẽ diễn ra trong 6 năm.

Các nghị sĩ Syria cho rằng việc mở rộng cảng Tartus sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nước này, và là một bước đi quan trọng để thúc đẩy quá trình tái thiết quốc gia. Bộ trưởng Giao thông Syria Ali Hammud mô tả thỏa thuận này là “lý tưởng”, đem lại nguồn lợi lớn và biến Tartus thành một cửa ngõ kinh tế liên kết Syria và phần còn lại của khu vực Địa Trung Hải. 

Được thành lập năm 1991, Stroytransgaz là một trong những công ty xây dựng lớn nhất của Nga. Trong giai đoạn xung đột tại Syria, nhiều công ty Nga cũng đã đầu tư vào ngành dầu mỏ, khí đốt và khai mỏ, đồng thời giành được nhiều hợp đồng xây dựng các nhà máy và trạm bơm nước ở quốc gia Trung Đông này.

Việt Khoa (TTXVN)
Lo ngại bẫy nợ Trung Quốc, Myanmar cắt giảm quy mô cho thuê cảng nước sâu
Lo ngại bẫy nợ Trung Quốc, Myanmar cắt giảm quy mô cho thuê cảng nước sâu

Myanmar đã cắt giảm quy mô dự án xây dựng một hải cảng ở miền Tây nước này bằng nguồn vốn vay Trung Quốc, sau khi xuất hiện lo ngại dự án góp phần khiến quốc gia Đông Nam Á này phải gánh thêm nhiều nợ nần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN