Nga đề xuất một nước Đông Nam bán cầu vào thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Theo hãng thông tấn TASS, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nhấn mạnh về đề cử ứng cử viên cho vị trí thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) khi đến Brazil để tham dự cuộc họp của các ngoại trưởng BRICS vào ngày 27/4.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trong cuộc họp báo tại Moskva. Ảnh: THX/TTXVN

Trả lời phỏng vấn với tờ Brazil O Globo, Ngoại trưởng Lavrov tin rằng Brazil, quốc gia đang thực hiện chính sách đối ngoại độc lập và có thể đóng góp đáng kể vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế, là ứng cử viên phù hợp cho vị trí thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngoại trưởng Nga cho biết: "Với chúng tôi, một điều hoàn toàn hiển nhiên là việc định hình một thế giới đa cực phải bao gồm sự đại diện rộng rãi hơn của các quốc gia ở Nam và Đông bán cầu, tức là các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc".

Ông Lavrov lưu ý rằng Moskva tin tưởng vào một cuộc cải cách mang tính cân bằng đối tại Hội đồng Bảo an với tư cách là một trong những cơ quan quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc – cơ quan có trách nhiệm chính, theo Hiến chương Liên hợp quốc, trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Bên cạnh đó, Nga cũng ủng hộ việc đề cử Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an với điều kiện cần phải có đại diện từ châu Phi.

Tuy nhiên, Moskva "phản đối việc trao thêm ghế cho các nước phương Tây và đồng minh của họ" vì các nước này đã có quá nhiều ghế tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong đó, ông Lavrov nhấn mạnh không ủng hộ việc đề cử Đức và Nhật Bản vì những quan ngại về "hệ tư tưởng" cũng như các chính sách công khai "không thân thiện" với Nga.

Trước đó vào tháng 2/2025, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi cải cách sâu rộng Hội đồng Bảo an, thúc giục mở rộng cơ quan này để mang tính đại diện nhiều hơn cho thực tế địa-chính trị toàn cầu hiện nay. Lời kêu gọi được Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tái khẳng định, đồng thời hối thúc cải cách hệ thống thương mại đa phương và cấu trúc tài chính quốc tế.

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh tuyên bố Hội đồng Bảo an phải phản ánh thế giới hiện tại, không phải như 80 năm trước khi Liên hợp quốc được thành lập. Ông cho biết, tổ chức này cần được cải cách để trở nên toàn diện hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn, dân chủ hơn và có trách nhiệm hơn. Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh những thách thức đòi hỏi các giải pháp đa phương, như xung đột, khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và những rủi ro do các công nghệ mới nổi gây ra, có khả năng làm suy yếu tư duy, bản sắc và khả năng kiểm soát của con người.

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
'Hội đồng Bảo an châu Âu' – Giải pháp mới cho khủng hoảng an ninh của EU?
'Hội đồng Bảo an châu Âu' – Giải pháp mới cho khủng hoảng an ninh của EU?

Trước sự thay đổi chính sách từ Mỹ và căng thẳng leo thang ở Ukraine, liệu đã đến lúc châu Âu cần một "Hội đồng Bảo an" riêng để đảm bảo an ninh khu vực?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN