Phát biểu trong cuộc họp báo khi bình luận về khả năng Nga có thể bị ngắt kết nối với SWIFT, Ngoại trưởng Nga nói: “Chúng tôi không loại trừ bất cứ điều gì. Tôi chắc chắn Chính phủ, Ngân hàng trung ương của chúng tôi, các cơ quan tài chính liên quan đang chuẩn bị các giải pháp khả thi nếu một nỗ lực được thực hiện nhằm làm suy yếu khả năng của chúng tôi trong việc đảm bảo trao đổi tự do trong hệ thống thương mại đa phương, trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.
Ông Lavrov nhấn mạnh, đề xuất loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT không mới, những lời kêu gọi như vậy "đã vang lên không phải một tháng và có thể không phải một năm, khi tìm kiếm khả năng trừng phạt bổ sung Nga”.
Trước đó, Dmitry Birichevsky, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti rằng dù chưa đề cập đến vấn đề loại Nga khỏi hệ thống SWIFT, song Moskva đang chuẩn bị cho tình huống như vậy.
SWIFT là hệ thống liên ngân hàng quốc tế để chuyển thông tin và thực hiện thanh toán, với hơn 11.000 tổ chức lớn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới được kết nối với nhau. Báo chí thường xuyên đưa tin Nga có thể bị loại khỏi hệ thống này như một trong những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của phương Tây. Tuy nhiên, không dễ để loại Nga khỏi SWIFT. Theo Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, SWIFT là tổ chức tư nhân quốc tế, theo nghĩa này, EU không có thẩm quyền loại Nga ra khỏi SWIFT.
Để đối phó với rủi ro có thể bị ngắt kết nối với SWIFT, Nga đã lập ra hệ thống truyền thông tin tài chính của mình. Theo thông tin mới nhất, hệ thống này có sự tham gia của 23 ngân hàng nước ngoài ở các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Đức và Thụy Sĩ.