Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra tuyên bố này tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Iran Javad Zarif đang ở thăm Moskva trong bối cảnh bất đồng giữa Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tehran liên quan đến việc tiếp cận 2 cơ sở.
Phát biểu tại cuộc hội đàm, ông Lavrov cho biết Nga sẽ kiên quyết phản đối “mọi âm mưu lợi dụng tình hình hiện nay để tác động đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thúc đẩy chương trình nghị sự chống Iran”.
Đề cập đến thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc hồi năm 2015, ông Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để không ai có thể phá hoại những thỏa thuận này”, đồng thời cho rằng Mỹ không có quyền trừng phạt Iran.
Về phần mình, ông Zarif mô tả những diễn biến xung quanh thỏa thuận hạt nhân, mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là “rất nguy hiểm”.
Năm 2015, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp đã ký với Iran thỏa thuận hạt nhân nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này.
Quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía. Sau đó, Iran từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani.
Theo IAEA, kho dữ trữ urani làm giàu của Iran hiện cao gấp 8 lần so với mức giới hạn trong thỏa thuận. Tuy nhiên, mức làm giàu urani này vẫn thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong báo cáo mới nhất ngày 5/6, IAEA cho rằng trong 4 tháng qua, Iran đã không cho phép họ thanh sát 2 cơ sở, nơi có thể đã từng diễn ra các hoạt động hạt nhân. Về phần mình, Iran khẳng định sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề với IAEA, đồng thời bày tỏ "thất vọng" với báo cáo mới nhất của cơ quan này.
Hãng tin Reuters ngày 16/6 dẫn dự thảo nghị quyết, đề ngày 10/6 cho biết các cường quốc châu Âu, trong đó có Đức, Pháp, Anh kêu gọi Iran hợp tác đầy đủ và nhanh chóng với IAEA.
Theo dự thảo nghị quyết, các nước châu Âu đề nghị Iran cho phép các thanh sát viên quốc tế của IAEA tiếp cận các địa điểm và thực thi các nghĩa vụ, được nêu trong Nghị định thư bổ sung của Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT). Bên cạnh đó, các cường quốc châu Âu cũng muốn kêu gọi Iran cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận 2 địa điểm. Các nước châu Âu dự kiến trình dự thảo nghị quyết lên cuộc họp của IAEA trong tuần này.
Trong phản ứng đưa ra cùng ngày 16/6, Đại diện Iran tại IAEA Kazem Gharibabadi cho rằng: “Việc áp dụng nghị quyết này thật đáng thất vọng và hoàn toàn phản tác dụng”.