Theo dự thảo nghị quyết, đề ngày 10/6, các nước châu Âu đã đề nghị Iran cho phép các thanh sát viên quốc tế của IAEA tiếp cận các địa điểm và thực thi các nghĩa vụ, được nêu trong Nghị định thư bổ sung của Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT).
Bên cạnh đó, các cường quốc châu Âu cũng muốn thúc đẩy việc chỉ trích Iran tại IAEA do Tehran vẫn không đồng ý cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận 2 địa điểm - nơi được cho là có thể từng diễn ra hoạt động hạt nhân của nước này.
Trong khi đó, hãng thông tấn bán chính thức Fars dẫn lời đại diện Iran tại IAEA Kazem Gharibabadi cho biết nếu 3 nước châu Âu tiến hành các bước đi như vậy, Tehran sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra phản ứng.
Trong năm 2020, IAEA đã đưa ra hai báo cáo chỉ trích nhà nước Cộng hòa Hồi giáo không phúc đáp các câu hỏi liên quan đến các hoạt động hạt nhân của nước này tại 3 cơ sở, gần 2 thập kỷ trước thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, cũng như không cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận 2 trong số 3 địa điểm này.
Năm 2015, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp đã ký với Iran thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nhằm ngăn chặn Teheran phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này.
Quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía. Sau đó, Iran từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani.