Ngày 14/3, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã ký Dự luật sửa đổi Hiến pháp vừa được Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) nước này thông qua.
Hãng thông tấn Interfax đưa tin Tổng thống Putin ngày 14/3 đã chính thức ký dự luật sửa đổi Hiến pháp, một ngày sau khi tất cả các cơ quan lập pháp địa phương tại Nga bỏ phiếu ủng hộ dự luật. Các sửa đổi này đã được hai viện Quốc hội Nga - Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như hội đồng lập pháp của 85 chủ thể LB Nga thông qua.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp đã phải hoãn lại do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tại Nga.
Trong cuộc họp trực tuyến với nhóm công tác chuyên về vấn đề này, Tổng thống Putin khẳng định: “Đây là Hiến pháp, làm nền tảng cho đời sống đất nước chúng ta – cho cuộc sống của chúng ta và con cháu chúng ta”.
Tổng thống Nga nhấn mạnh đó là vấn đề xác định các đảm bảo pháp lý cơ bản trong lĩnh vực quan hệ xã hội và lao động, cũng như các nguyên tắc hợp tác với các đối tác quốc tế của Nga. Ông Putin bày tỏ: “Tôi rất hy vọng các công dân sẽ tham gia tích cực nhất vào việc xác định các quy định của Luật cơ bản và bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp”.
Tổng thống Nga cũng yêu cầu người đứng đầu các chủ thể của LB Nga tổ chức các cuộc bỏ phiếu phải quan tâm đến bảo đảm an toàn và sức khỏe của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang xảy ra.
Do các yêu cầu mới, các sửa đổi này sẽ áp dụng với tổng thống, các thành viên của chính phủ và các quan chức chính phủ ở nhiều cấp độ, củng cố an sinh xã hội đối với công dân, trao thêm quyền lực cho quốc hội, thiết lập vị thế của tiếng Nga. Các sửa đổi này cũng cho phép tổng thống đương nhiệm ra tranh cử lại vào năm 2024. Luật sửa đổi Hiến pháp cũng đã được Tòa án Hiến pháp Nga thông qua.
Sau khi cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (CEC) trong vòng 5 ngày sẽ xác định kết quả bỏ phiếu và công bố kết quả bỏ phiếu sau 3 ngày. Nếu Luật sửa đổi Hiến pháp nhận được hơn 50% số phiếu ủng hộ, các sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố.
Trong thông điệp liên bang lần thứ 16, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông nhất trí với các điều khoản của Hiến pháp Nga về việc cấm một tổng thống trúng cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.
Tổng thống Putin nói: “Tôi biết trong xã hội chúng ta có những suy nghĩ về quy định một người không thể giữ chức tổng thống nhiều hơn hai nhiệm kỳ liên tục. Tôi không cho rằng đó là một vấn đề quan trọng, song tôi đồng ý với quy định trên”.
Bên cạnh đó, ông chủ Điện Kremlin nêu rõ ông nhất trí với đề xuất cấm các nhà lập pháp, thủ tướng cùng các quan chức cấp cao khác ở Nga có hai quốc tịch hoặc giấy phép cư trú tại nước ngoài. Ông đề xuất ban hành những lệnh cấm trên ở mức độ hiến pháp.
Ông cũng bày tỏ ý muốn thắt chặt các tiêu chuẩn đối với bất kỳ ai muốn trở thành tổng thống Nga. Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ mong muốn trao quyền cho quốc hội trong việc chọn thủ tướng cho nước Nga.
Tổng thống Putin khẳng định bất kỳ sự thay đổi nào đối với hiến pháp cần phải được người dân thông qua bằng hình thức bỏ phiếu. Tuy vậy, theo ông, nước Nga không cần hiến pháp mới bởi các giá trị pháp lý của Hiến pháp năm 1993 vẫn còn hiệu quả.
Những đồn đoán về quan điểm của ông Putin về quy định giới hạn số nhiệm kỳ trong hiến pháp bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2019. Khi đó, tại cuộc họp báo cuối năm, ông cho biết các quy tắc giới hạn về nhiệm kỳ liên tiếp “có thể bị dỡ bỏ” nếu đạt được sự đồng thuận trong xã hội.
Ông Vladimir Putin, 67 tuổi, trở thành Tổng thống Nga từ ngày 31/1/1999 sau hai lần chiến thắng cuộc bầu cử năm 2000 và 2004. Năm 2008, sau khi hoàn tất nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông từ chức và được bổ nhiệm làm Thủ tướng Nga.
Năm 2012, ông ra tranh cử và giành chiến thắng lần thứ ba không liên tiếp, với nhiệm kỳ tổng thống được nới rộng thành 6 năm. Ông tái đắc cử năm 2018 và sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ tư năm 2024.