Nga lên tiếng trước quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ

Phái đoàn Nga tại UNESCO cảnh báo động thái của Washington có thể gây ra những hệ quả chính trị và tài chính nghiêm trọng đối với tổ chức này.

Chú thích ảnh
Biểu tượng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại trụ sở ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin TASS ngày 23/7, Quyền Trưởng phái đoàn thường trực Nga tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), ông Kirill Rynza, cho biết Nga lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ rút khỏi tổ chức này, đồng thời cho rằng hành động của Washington sẽ để lại nhiều hậu quả cả về chính trị lẫn tài chính.

“Đây là một quyết định đáng tiếc. Có thể khẳng định rằng việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ kéo theo những hệ lụy chính trị và tài chính nghiêm trọng”, ông Rynza phát biểu.

Theo đại diện Nga, việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ ảnh hưởng cả về chính trị và tài chính. Về chính trị, điều này có thể khiến quan điểm của một bộ phận lớn cộng đồng quốc tế không còn được thể hiện đầy đủ trong quá trình ra quyết định của tổ chức. Về tài chính, việc Mỹ rút lui đồng nghĩa với khả năng cao nước này sẽ không thanh toán khoản nợ hơn 600 triệu USD còn tồn đọng với UNESCO.

Ông Rynza lưu ý rằng Mỹ đã không đóng góp cho ngân sách thường niên của UNESCO kể từ năm 2011. Dù Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay từng khẳng định tổ chức vẫn giữ được sự ổn định tài chính nhất định nhờ nỗ lực của Ban Thư ký, ông Rynza cho rằng việc Mỹ rút lui sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều chương trình và dự án đang được triển khai.

Trước đó, ngày 22/7, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định rút Mỹ khỏi UNESCO. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc rút khỏi tổ chức sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 31/12/2026. Phía Washington cho rằng UNESCO đang thúc đẩy một "chương trình nghị sự toàn cầu mang tính ý thức hệ", đi ngược lại chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” mà chính quyền Trump đang theo đuổi.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ rút khỏi UNESCO. Trước đó, vào năm 1984, chính quyền Tổng thống Ronald Reagan đã quyết định rút lui với lý do tổ chức này bị cho là “chính trị hóa quá mức” và có cách thức chi tiêu không hiệu quả. Mỹ quay trở lại UNESCO vào năm 2003, nhưng đến năm 2018, dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước này lại rút khỏi tổ chức một lần nữa, viện dẫn lý do UNESCO có lập trường không phù hợp đối với Israel, cần cải cách toàn diện và Mỹ đang nợ tổ chức một khoản ngân sách lớn. Đến năm 2023, Mỹ chính thức tái gia nhập dưới thời chính quyền kế nhiệm.

Tuy nhiên, sau khi quay trở lại Nhà Trắng năm 2025, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu tiến hành đánh giá toàn diện mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và UNESCO trong vòng 90 ngày. Việc tuyên bố rút khỏi tổ chức được đưa ra sau quá trình rà soát này.

Hiện UNESCO chưa đưa ra bình luận chính thức về thông báo rút lui của Mỹ.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc
Tổng thống Pháp tái khẳng định cam kết với UNESCO
Tổng thống Pháp tái khẳng định cam kết với UNESCO

Trên tài khoản cá nhân mạng xã hội X, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định lập trường “ủng hộ không lay chuyển” đối với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), ngay sau tuyên bố của Mỹ rút khỏi cơ quan đa phương có trụ sở tại Paris này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN