Trước đó, Giám đốc cảnh sát New Zealand Mike Bush lực lượng chức mạng đã phát hiện thêm một thi thể nạn nhân trong thánh đường Hồi giáo Al Noor, nâng tổng số người thiệt mạng trong vụ thảm sát lên 50.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, tất cả các thi thể nạn nhân hiện đã được đưa ra khỏi thánh đường Hồi giáo và cộng đồng Hồi giáo thành phố Christchurch kêu gọi các nhà chức trách nhanh chóng trao trả hài cốt cho gia đình, để đảm bảo quy trình tang lễ được tuân thủ đúng theo phong tục.
Ngay từ sáng sớm, cả đất nước New Zealand chìm trong không khí tang thương. Những đoàn người nối đuôi nhau, xếp hàng dài trước các đài tưởng niệm tạm thời, được dựng lên quanh thành phố Christchurch. Trong khi đó, hàng nghìn người đã tham gia các buổi cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số tại các đền thờ khu vực.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã đến nhiều địa điểm của thành phố Christchurch để chia buồn cùng cộng đồng người Hồi giáo. Tại Trung tâm Tái định cư cho người tị nạn Canterbury, bà Ardern khẳng định New Zealand là một khối thống nhất và cùng nhau chia sẻ nỗi đau buồn to lớn này.
Trong một động thái chưa từng có, ngày 17/3, các tập đoàn viễn thông New Zealand, gồm các nhà cung cấp mạng lớn như Spark, Vodafone, V Focus và 2degrees, thông báo sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn các clip đăng các cảnh quay vụ tấn công khủng bố ở thành phố Christchurch trên các trang web trong nước.
Theo Giám đốc điều hành Diễn đàn viễn thông New Zealand, Geof Thorn, các nhà mạng đang hợp tác cùng nhau, để đảm bảo không còn clip bạo lực nào liên quan đến vụ tấn công khủng bố trên xuất hiện trên màn hình của người dân "xứ Kiwi".
Sự phẫn nộ trước hành động khủng bố và niềm tiếc thương đã lan tới rất nhiều các quốc gia khác, quê hương của những nạn nhân trong vụ thảm sát, như Ấn Độ, Bangladesh, Afghanistan, Ai Cập, Saudi Arabia, Indonesia, Jordan, Pakistan và Fiji...
Tại Australia, quốc gia láng giềng thân thiết của New Zealand, Thủ tướng Scott Morrison và gia đình đã đến nhà thờ St Mark Coptic ở thị trấn Arncliffe ở phía Nam Sydney. Tại đây, ông Morrison và Bộ trưởng Di trú David Coleman cùng 200 giáo dân tập trung cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ thảm sát.
Ông Morrison kêu gọi người dân Australia tập trung lại và truyền đi thông điệp của hy vọng sau vụ tấn công "khủng khiếp và đáng lên án".
Trước đó, tại thành phố lớn nhất của Australia là Sydney và Melbourne cũng đã diễn ra các hoạt động tưởng niệm những nạn nhân của vụ xả súng kinh hoàng ở New Zealand.
Tại thành phố Sydney, tối 16/3, một chiếc lá dương xỉ bạc đã được chiếu sáng lên những “cánh buồm” của Nhà hát Opera như một biểu tượng cho tình đoàn kết và chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân của những cuộc tấn công.
Theo thông báo của Ngoại trưởng New Zealand, Winston Peters, đại diện Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đến thăm thành phố Christchurch trong 2 ngày. Hiện Phó tổng thống Fuat Oktay và Bộ trưởng Ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt tại đây để tỏ lòng kính trọng với những nạn nhân và gia đình của họ sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng hôm 15/3.
Sáng 17/3, Giám đốc cảnh sát New Zealand Mike Bush thông báo ngoài 50 người thiệt mạng, hiện số người bị thương cũng đã tăng lên 50 người, trong đó 36 người đang trong bệnh viện, có một bé gái 5 tuổi, 2 người trong tình trạng nguy kịch.
Với những nạn nhân thiệt mạng, ông Bush cho biết giới chức y tế và điều tra đang nỗ lực để xác định danh tính của từng nạn nhân và nguyên nhân tử vong.
Theo ông Bush, Thủ tướng New Zealand sẽ sớm đưa ra thông báo về việc kiểm soát và cấm vũ khí bán tự động giống loại súng được dùng trong vụ tấn công.