Cảnh sát và các cơ quan an ninh đã hạ mức độ đe dọa khủng bố từ mức cao xuống trung bình, đồng nghĩa nhà chức trách đánh giá nguy cơ xảy ra vụ tấn công khủng bố khác, một hành vi tội phạm bạo lực, hoặc một cuộc biểu tình bạo lực....ở mức "có khả năng xảy ra", thay vì "rất có khả năng xảy ra". Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn so với mức được đánh giá là "thấp" ở thời điểm trước khi xảy ra vụ tấn công ngày 15/3 vừa qua.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết hiện không tồn tại nguy cơ cụ thể nào đe dọa an ninh quốc gia. Trong khi đó, các cơ quan an ninh New Zealand cho rằng mức đe dọa an ninh ở mức trung bình phản ánh chính xác tình hình hiện nay ở nước này.
Lực lượng cảnh sát đường phố của New Zealand thường không mang vũ khí. Nhiều người dân nước này đã rất bất ngờ khi thấy cảnh sát được vũ trang hạng nặng sau khi xảy ra vụ tấn công ở Christchurch khiến 50 tín đồ Hồi giáo thiệt mạng.
Vụ khủng bố đẫm máu trên trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng những quy định lỏng lẻo về sở hữu súng đạn là một yếu tố khiến hung thủ quyết định tiến hành vụ thảm sát. Chính phủ của Thủ tướng Jacinda Ardern đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp thắt chặt luật sử dụng súng đồng thời khuyến khích người sở hữu súng tự nguyện giao nộp những vũ khí không cần thiết.
Ngày 11/4 vừa qua, Toàn quyền New Zealand Patsy Reddy đã ký ban hành luật kiểm soát súng đạn mới, theo đó chính thức cấm vũ khí bán tự động kiểu quân sự. Luật mới cấm lưu hành các loại súng máy bán tự động kiểu quân sự, giống như loại súng mà hung thủ đã sử dụng hôm 15/3 vừa qua. Chính phủ sẽ mua lại các khẩu súng người dân đang sở hữu, cấm sử dụng, đồng thời phạt tù đối với các trường hợp vi phạm. Luật trên nêu rõ các lệnh cấm được áp dụng đối với "vũ khí bán tự động, các bộ phận có thể được sử dụng để lắp ráp các vũ khí bị cấm".