Theo New York Times, các cuộc thảo luận về vấn đề trên đã cho thấy quan điểm của giới chức Mỹ đang dần thay đổi theo hướng ủng hộ mạnh mẽ hơn cho Kiev, ngay cả khi Washington khẳng định không muốn đối đầu với Moskva.
Dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên, nguồn tin cho biết sau nhiều tháng do dự, Nhà Trắng đang hâm nóng ý tưởng Ukraine có thể “cần sức mạnh” để tiến hành các cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga, cụ thể là thành trì quân sự của nước này ở Crimea.
“Các quan chức Mỹ đang thảo luận với các đối tác Ukraine về việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp - từ hệ thống tên lửa HIMARS đến xe chiến đấu Bradley - để có thể nhắm mục tiêu vào Crimea”, tờ báo nói và cho biết thêm rằng Washington “đã tin rằng nếu quân đội Ukraine có thể cho Nga thấy rằng quyền kiểm soát Crimea có thể bị đe dọa, điều đó sẽ củng cố vị thế của Kiev trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai”.
Theo New York Times, bất chấp các công sự kiên cố của Moskva trên bán đảo, nơi đặt Hạm đội Biển Đen của Nga và các căn cứ quân sự khác, Crimea vẫn là “trọng tâm chính” trong các kế hoạch tác chiến của Ukraine. Không rõ chính xác Washington sẽ hỗ trợ Kiev thực hiện các cuộc tấn công vào khu vực này bằng cách nào, nhưng nguồn tin cho rằng quyết định cung cấp cho Kiev xe chiến đấu bộ binh Bradley cho thấy Mỹ sẵn sàng giúp Ukraine “tiếp tục tấn công Nga – bao gồm cả việc nhắm vào Crimea”.
Các nhà phân tích giấu tên nhận định rằng cùng với các phương tiện chuyển quân do Pháp và Đức cung cấp, xe chiến đấu bộ binh Bradley có thể là đội tiên phong của lực lượng thiết giáp mà Ukraine có thể sử dụng trong cuộc phản công vào mùa đông hoặc mùa xuân này.
Tuy nhiên, ngay cả khi Nhà Trắng cân nhắc giúp đỡ Kiev thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, Tổng thống Joe Biden vẫn từ chối các yêu cầu của Ukraine về việc viện trợ tên lửa tầm xa và xe tăng chiến đấu hạng nặng. Trước đó, ông cảnh báo rằng những khoản viện trợ này có thể là mồi lửa cho hành động thù địch trực tiếp với Moskva và thậm chí thúc đẩy một cuộc chiến tranh hạt nhân, dù rủi ro đó dường như đang dần giảm bớt khi xung đột kéo dài.
Hồi tháng 12/2022, nguồn tin quốc phòng giấu tên của Mỹ nói với một tờ báo Anh rằng: “Nỗi sợ leo thang căng thẳng đã thay đổi ngay từ đầu xung đột”. Điều này cho thấy Lầu Năm Góc đã “ngầm ủng hộ các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine vào các mục tiêu bên trong nước Nga”.
Trong khi đó, hôm 17/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price khẳng định Mỹ không đặt bất kỳ giới hạn nào đối với các cuộc tấn công của Ukraine, hay “ra quyết định nhắm mục tiêu thay cho Kiev”. Song các cuộc thảo luận mới nhất tại Nhà Trắng có thể cho thấy sự thay đổi quan điểm giữa một số quan chức.
Crimea đã sáp nhập Nga sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014. Tuy nhiên, Kiev và những nước ủng hộ phương Tây đã từ chối công nhận cuộc bỏ phiếu và coi bán đảo này vẫn thuộc lãnh thổ Ukraine. Tháng 12/2022, Tổng thống Ukraine Volodmyr Zelensky đã nhắc lại tuyên bố sẽ giành lại Crimea bằng mọi giá.
Về phần mình, các quan chức Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch quân sự ở Ukraine cho dù phải mất bao lâu. Trong bối cảnh Kiev liên tục yêu cầu phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa, Moskva cảnh báo Washington và các quốc gia NATO khác rằng động thái này sẽ vượt “lằn ranh đỏ” và khiến họ trở thành một bên trực tiếp của cuộc xung đột.
Sau các cuộc trưng cầu dân ý ở Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye hồi tháng 9, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố Moskva sẽ bảo vệ không chỉ Crimea, mà tất cả các vùng lãnh thổ mới, bằng toàn bộ lực lượng và mọi phương tiện có sẵn.