Nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà, sự suy giảm có thể sẽ xảy ra

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất đà, và với một số rủi ro lớn trước mặt, sự suy giảm có thể sẽ xảy ra. Dữ liệu được công bố ngày 18/10 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 6,5%.

Đây là một suy giảm nhẹ so với quý trước khi Trung Quốc tăng 6,7% - nhưng đây là mức thấp nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2009, khi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chỉ tăng 6,2%.

Chú thích ảnh
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 30/4/2018. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Những chỉ số này lần đầu tiên được Chính phủ Trung Quốc công bố kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công Trung Quốc với hai lần áp thuế trên hàng hóa trị giá 250 tỷ USD, điều sẽ làm tăng thêm trọng lượng cho suy nghĩ hiện tại là nền kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại. Nên nhớ nền kinh tế Trung Quốc đã bị chậm lại trước khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bắt đầu căng thẳng vào đầu năm nay. Sự chậm lại là một quá trình chuyển đổi được quản lý - một quyết định mà Chính phủ Trung Quốc nói là vì cần tập trung vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cuộc chiến thương mại đã thay đổi tình thế. Trong khi chỉ số tăng trưởng này không nhất thiết cho thấy cuộc chiến thương mại đã tác động đến Trung Quốc, điều gần như chắc chắn là cuộc chiến này còn gây cho nước này nhiều nhức nhối hơn nữa.

Chưa gây ra tác động

Sau chuyến đi Bắc Kinh và Thượng Hải mới đây, ông Vinesh Motwani của cơ quan Silk Road Research nói rằng: “Qua thảo luận với những người liên hệ trong ngành, chúng tôi chưa thấy có tác động rõ rệt nào đến nhu cầu của người tiêu dùng. Thật ra, nếu chúng ta có thể thấy được điều gì thì đó là việc một số công ty đang hưởng lợi ngắn hạn từ cuộc chiến thương mại. Đó là bởi vì nhiều khách hàng Mỹ đang cố gắng mua thật nhiều hàng hóa từ Trung Quốc trước khi mức thuế mới có hiệu lực”.
Tuy nhiên, ông Motwani nói thêm: “Điều này có thể chỉ là một đốm sáng nhất thời vì về lâu về dài, triển vọng thật đen tối. Những điều mà mọi doanh nghiệp cùng đang lo lắng là sự bất ổn cuộc chiến thương mại mang đến. Nếu không có cuộc chiến này, các công ty Trung Quốc sẽ lạc quan hơn nhiều vào triển vọng cho năm 2019”.

Chú thích ảnh
Chế biến hải sản xuất khẩu tại nhà máy ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 5/7. AFP/TTXVN

Viễn ảnh đen tối này cũng đang được lặp lại bởi các dự báo kinh tế. Một số ngân hàng đầu tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Đơn vị Kinh tế Tình báo đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 6,2% vào năm 2019 do hậu quả của cuộc chiến thương mại. Tất cả những điều này xảy ra vào thời điểm mà các động cơ tăng trưởng kinh tế điển hình của Trung Quốc - đầu tư tài sản cố định, tiêu dùng và xuất khẩu - đang bị chậm lại.

Trung Quốc có thể làm gì? Ông Motwani cho biết Trung Quốc không muốn phải đối phó với một cuộc chiến thương mại vào thời điểm mà nước này đang phải tìm cách quản lý những rủi ro hệ thống trong nền kinh tế. Và có vẻ Trung Quốc không có nhiều lựa chọn. Các nhà hoạch định chính sách có lẽ sẽ không bơm nhiều gói kích thích lớn vào nền kinh tế theo cách họ đã làm sau năm 2008. Một phần là do quan điểm tập trung mới vào chất lượng tăng trưởng, chứ không chỉ là tăng trưởng.
Trung Quốc cảnh báo về chế tài trừng phạt của Mỹ

Vấn đề khác là Trung Quốc đã tăng mức nợ công một cách bất thường - ước tính gần 300% của GDP - và đó là rủi ro chính mà nước này đang cố gắng quản lý. Điều này có nghĩa hiện nay Bắc Kinh đang phải chiến đấu ở hai mặt trận mà không có tất cả các kỵ binh thường có trong tay. Trung Quốc cũng đang chiến đấu với một kẻ thù ngày càng khó lường và dễ chuyển biến, dưới hình thức một chính quyền Mỹ hung hãn. Tất cả những điều này không mang đến triển vọng tốt cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây cáo buộc Trung Quốc làm mất giá đồng Nhân dân tệ (NDT) để giúp cho xuất khẩu cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, trong một động thái có thể giúp xoa dịu căng thẳng thương mại đang leo thang giữa hai nước, Bộ Tài chính Mỹ đã không tuyên bố chính thức cáo buộc trên trong báo cáo công bố hồi tuần trước.

Chú thích ảnh
Kiểm đồng Nhân dân tệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Tài chính Mỹ cho biết chính sách của Trung Quốc vẫn là “mối quan tâm đặc biệt”. Theo Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, trong một báo cáo công bố hai lần mỗi năm về chính sách ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh và sự suy yếu của đồng NDT tiếp tục đặt ra những thách thức lớn đối với mục tiêu “cân bằng thương mại”. Tuy nhiên, không thấy Bộ Tài chính Mỹ chỉ ra việc Trung Quốc đã trực tiếp can thiệp để làm suy yếu giá trị của đồng tiền.

Đồng NDT đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 1/2017. Tổng thống Trump lập luận rằng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã lấy mất việc làm của người dân nước này. Ông Trump đã ra lệnh áp gói thuế quan trị giá 250 tỷ USD lên hàng xuất khẩu Trung Quốc để cố gắng ngăn chặn thâm hụt ngày càng tăng của Mỹ với Trung Quốc. Trong lúc vận động tranh cử giữa kỳ vào tháng 11 tới, ông Trump đã tuyên bố Trung Quốc đang theo đuổi chính sách phá giá đồng NDT.

Đồng USD đã tăng giá so với đồng NDT trong những tháng gần đây, làm nảy sinh suy đoán rằng báo cáo tháng này của Mỹ có thể bao gồm những tuyên bố chính thức về sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại các cuộc họp mới đây của IMF ở Bali (Indonesia), Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương nói rằng Bắc Kinh sẽ không tham gia vào việc làm mất giá đồng tiền để cạnh tranh, hoặc sử dụng tỷ giá hối đoái như một “công cụ để đối phó với những mâu thuẫn thương mại”.

TTXVN/Báo Tin tức
WTO: Chiến tranh thương mại leo thang có thể xóa sổ hàng triệu việc làm
WTO: Chiến tranh thương mại leo thang có thể xóa sổ hàng triệu việc làm

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo cảnh báo chiến tranh thương mại leo thang "tiềm ẩn những nguy cơ thực sự" đe dọa nền kinh tế toàn cầu, có thể xóa sổ hàng triệu việc làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN