Mục tiêu trọng tâm của chính phủ nước này là giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng có thể phân hủy, chủ yếu là nhiên liệu có nguồn gốc từ hóa thạch, do nguồn tài nguyên đắt đỏ và gây ô nhiễm môi trường.
Bộ Năng lượng Israel đã đưa ra kế hoạch hành động nhằm phát triển và tích hợp năng lượng tái tạo vào ngành năng lượng của Israel, dựa trên các mục tiêu an ninh và sự độc lập về năng lượng, cũng như bảo vệ môi trường bằng cách giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Việc đạt được những mục tiêu trên sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành công nghệ và đổi mới sáng tạo của Israel, cũng như tạo ra nhiều công ăn việc làm, đặc biệt ở những vùng ngoại ô.
Bộ Năng lượng cũng đã khuyến khích và thúc đẩy sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo, chủ yếu thông qua các công nghệ năng lượng mặt trời, gió và khí sinh học/sinh khối ở Israel, trong khi vẫn duy trì hỗn hợp nhiên liệu, an ninh năng lượng, giảm thiểu chi phí và khuyến khích phát triển công nghệ địa phương.
Từ năm 2016, Cơ quan Điện lực Israel đã chịu trách nhiệm về việc phát triển và quản lý năng lượng tái tạo tại nước này, bao gồm việc phát điện, điều tiết, cấp phép, giám sát và thuế.
Ngay trước khi có Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Chính phủ Israel đã đặt ra mục tiêu quốc gia là giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và cải thiện mức tiêu thụ năng lượng trên thị trường.
Lượng phát thải sẽ được giảm theo hai giai đoạn: hạn chế phát thải khí nhà kính xuống còn 8,8 tấn trên đầu người vào năm 2025 và xuống còn 7,7 tấn vào năm 2030. Ngoài ra, giảm mức tiêu thụ điện năng còn 17% vào năm 2030; tạo ra điện bằng việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo với 13% sản lượng vào năm 2025 và 17% vào cuối năm 2030.
Tháng 4/2016, Chính phủ Israel tiếp tục đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, bao gồm việc ưu đãi thuế cho các cơ sở sản xuất điện từ năng lượng tái tạo; thúc đẩy các dự án xây dựng xanh; xem xét chuyển đổi từ sử dụng than đến khí đốt tự nhiên để giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy công nghệ của Israel trong các lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo một cách hiệu quả nhất.
Bộ Năng lượng Israel, phụ trách các lĩnh vực tài nguyên và năng lượng, hiện đang thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển ngành năng lượng sạch vào năm 2030. Bộ đã phác thảo một chiến lược tập trung vào sản xuất điện từ khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo. Tháng 7/2018, bộ đã quyết định đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than ở Hadera và vào năm 2019, sẽ có khoảng 2.000 trạm sạc xe điện được bố trí trên toàn quốc với tổng chi phí 30 triệu Shekels (khoảng 8,6 triệu USD).
Năm 2018, nước này sản xuất được 3,5% năng lượng tái tạo và hy vọng con số đó sẽ tăng lên 5% vào cuối năm nay. Chính phủ Issrael đang hướng tới cuộc đua để đáp ứng mục tiêu tạo ra 10% năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2020.
Là một vùng đất quanh năm đầy nắng và gió, Israel sở hữu tiềm năng lớn để khai thác năng lượng mặt trời cho việc sản xuất điện. Chính phủ Israel đã yêu cầu đấu thầu xây dựng hai nhà máy điện mặt trời tại Ashalim ở sa mạc Negev với kỳ vọng tạo ra tổng sản lượng khoảng 242 megawatt. Mỗi nhà máy có tổng công suất 70 megawatt.
Bộ Năng lượng và Cơ quan Điện lực Israel cũng phát động một chiến dịch kêu gọi các hộ gia đình lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà với thông điệp “hãy để cho chúng làm ra tiền và giảm ô nhiễm môi trường”. Đến nay, các tấm pin mặt trời đã được lắp đặt trên khoảng 13.000 mái nhà, phần lớn phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại hoặc công nghiệp, chẳng hạn như các trung tâm mua sắm.
Cơ quan Điện lực Israel dự tính sẽ tăng gấp đôi số lượng các tấm pin mặt trời lắp đặt trên mái nhà vào cuối năm 2020, chủ yếu bằng việc khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời và họ sẽ bắt đầu có lãi sau khoảng từ 8 đến 10 năm. Cũng theo cơ quan này, hiện giá thành của các tấm pin năng lượng mặt trời đã giảm khoảng 80% nhờ vào việc cải tiến công nghệ và sản xuất đại trà tại các quốc gia như Trung Quốc.
Với hệ thống pin năng lượng mặt trời công suất khoảng 15 kilowatt (kW) được lắp trên mái các hộ gia đình, các nhà đầu tư sẽ phải trả một mức giá thường xuyên cho việc sử dụng điện vào khoảng 13 cent/một kilowatt giờ (kWh). Nhưng đổi lại, họ sẽ nhận được hóa đơn từ Công ty Điện lực Israel liên quan đến khoản tiền khi hòa vào lưới điện quốc gia, với mức chi trả khoảng 14 cent/một kWh. Mức giá này sẽ được đảm bảo trong 25 năm kể từ ngày lắp đặt - gần bằng tuổi thọ của các tấm pin mặt trời. Ngoài ra, các ngân hàng sẽ cung cấp các khoản vay hấp dẫn, đôi khi cho các hộ vay những khoản đầu tư lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời và không phải chịu thuế thu nhập hay thuế VAT.
Trung bình một tòa nhà với diện tích khoảng 100 mét vuông, thì việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời có thể giảm được 9,7 tấn không khí ô nhiễm hằng năm và tạo ra một khoản lợi nhuận khoảng 2.115 USD mỗi năm, chỉ sau từ 8 đến 10 đầu tiên là có thể trả hết số vốn đầu tư ban đầu.